Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 22/02/2025

Cảnh báo: Đã xác thực sinh trắc học vẫn sập bẫy lừa đảo 'đóng tiền điện'

TDVN 18:24 20/02/2025

Sau khi triển khai xác thực sinh trắc học, tỷ lệ lừa đảo qua tài khoản ngân hàng số đã giảm 50%. Tuy nhiên, người dùng cần bảo mật thông tin cá nhân, không đăng tải lên MXH

Một người phụ nữ đã bị lừa mất 400 triệu đồng trong tài khoản vì tin lời của 1 đối tượng giả danh cán bộ điện lực. Đối tượng này đã gọi điện thoại và nhắc chị đóng tiền điện nên chị không có nghi ngờ gì. Sau đó đối tượng đã đề nghị kết bạn zalo với chị để hướng dẫn chị tải phần mềm Epoint để theo dõi lượng điện sử dụng hàng ngày. Sau đó yêu cầu chị đồng bộ hóa phầm mềm này với tài khoản ngân hàng, để hàng tháng sẽ tự động trích nộp tiền điện.

Nạn nhân bị lừa tiền qua mạng chia sẻ: "Nó bảo mình sử dụng căn cước công dân đưa lên màn hình điện thoại, nhưng như thế nào mà thành quét khuôn mặt của mình. Tất cả những cái đấy mình không thể định hình nổi trong vòng khoảng 10 giây. Thế là khoản tiền đi rất nhanh, hơn 400 triệu là ting 1 cái. Đến lúc mình tỉnh ngộ ra thì đã muộn rồi".

Chị tâm sự trước đây cũng liên tục nhận được các cuộc gọi giả mạo cán bộ ngân hàng, công an, viện kiểm soát, nhưng chị đều cảnh giác. Đến lần này khi đối tượng giả danh cán bộ điện lực thì chị lại chủ quan, do đối tượng đã đọc đúng tên, đúng mã số dùng điện của nhà chị.

"Không hiểu vì lý do gì mà thông tin cá nhân của tôi lộ ra ngoài, dẫn đến rơi vào tình huống lừa như thế. Nếu họ không biết mình có bao nhiêu tiền thì họ đi lừa làm gì. Tôi để ý những người không có tiền thì lại không bị lừa. Tôi thì cũng không có nhiều nhưng có mấy trăm triệu là mất hết luôn", nạn nhân bị lừa tiền qua mạng chia sẻ.

Ông Vũ Mạnh Hưng - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển dịch vụ Ngân hàng số - VPBank cho hay: "Các đối tượng hầu hết đánh vào việc sử dụng ứng dụng Mobile banking. Cài ứng dụng lạ, đường link lạ là khơi gợi bạn bấm vào link, cài đặt thì mình tuyệt đối, đừng nên làm những việc đấy. Ngay cả ngân hàng giờ cũng khuyến cáo không gửi bất cứ 1 link nào qua MSM. Kể cả nhân viên ngân hàng cũng không bao giờ hỏi bạn OTP".

Các chuyên gia cho rằng các tội phạm lừa đảo đã nghiên cứu khá kỹ về nạn nhân. Từ tên tuổi cho đến địa chỉ, nhân thân. Chính vì vậy để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, ngoài sự cảnh giác thì cũng cần bảo mật thông tin cá nhân cẩn thận, tránh đăng tải công khai lên mạng xã hội.

Theo VTV

Link gốc : https://vtv.vn/kinh-te/canh-bao-da-xac-thuc-sinh-trac-hoc-van-sap-bay-lua-dao-dong-tien-dien-20250218230728201.htm

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo: Đã xác thực sinh trắc học vẫn sập bẫy lừa đảo 'đóng tiền điện' tại chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng