Hà Nội, Thứ Tư Ngày 02/04/2025

Người dân tiếp tục nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao

TDVN 08:35 31/03/2025

Người dân cần chủ động nâng cao hiểu biết về deepfake và bảo vệ tài khoản cá nhân khi những chiêu trò chiếm đoạt mật khẩu, tài khoản ngân hàng hiện nay càng nhiều.

Hiện nay, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) mở ra nhiều cơ hội, tuy nhiên cũng đồng thời trở thành con dao hai lưỡi. Một trong những mặt tối đáng báo động chính là việc kẻ xấu lợi dụng công nghệ deepfake để cắt ghép hình ảnh, video nhạy cảm nhằm mục đích lừa đảo và tống tiền. Đây không chỉ là một thủ đoạn mới mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về sự an toàn thông tin cá nhân trên không gian mạng nhất là trong bối cảnh công dân số, xã hội số đang ngày càng phát triển.

Ảnh minh họa.

Theo đại diện Phòng CSHS (Công an TP. Hà Nội) cho biết, nếu như trước đây, những vụ lừa đảo thường xoay quanh hình thức giả danh hoặc sử dụng thông tin cá nhân bị đánh cắp, thì nay, tội phạm mạng đã nâng cấp thủ đoạn với mức độ tinh vi đáng sợ. Các bước mà những đối tường này thực hiện thường diễn ra có hệ thống. Đầu tiên, sẽ là tập trung thu thập hình ảnh cá nhân.

Các đối tượng xấu lùng sục trên mạng xã hội, các nền tảng chia sẻ ảnh hoặc thậm chí xâm nhập dữ liệu cá nhân bị rò rỉ để tìm kiếm hình ảnh của nạn nhân. Tiếp đó, bằng cách sử dụng phần mềm deepfake, các đối tượng lừa đảo sẽ cắt ghép khuôn mặt nạn nhân vào những đoạn video nhạy cảm, tạo ra sản phẩm giả nhưng vô cùng chân thực.

Sau khi có được "sản phẩm", những đối tượng này sẽ tiến hành đe dọa, tống tiền nạn nhân. Kẻ gian liên hệ với nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền để đổi lấy sự im lặng. Nếu nạn nhân từ chối, các đối tượng sẽ gia tăng sức ép bằng cách gửi video cho bạn bè, người thân, thậm chí công khai trên mạng xã hội.

Được biết, nhiều trường hợp, khi đã nhận được tiền, tội phạm vẫn tiếp tục đòi hỏi nhiều hơn, biến nạn nhân thành con mồi không lối thoát. Chính tâm lý sợ hãi, lo lắng bị bôi nhọ danh dự khiến nhiều người chấp nhận yêu cầu của các đối tượng lừa đảo, thay vì mạnh dạn trình báo cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đây lại chính là sai lầm khiến tội phạm mạng ngày càng lộng hành.

Thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội) đã ghi nhận nhiều trường hợp người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, trong đó các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake để giả mạo video, hình ảnh và giọng nói người thân của nạn nhân. Thủ đoạn tinh vi này khiến không ít người dân mất cảnh giác và trở thành nạn nhân. Mới đây, vào tháng 02/2024, Công an TP. Hà Nội triệt phá một đường dây chuyên sử dụng deepfake để tống tiền các cá nhân có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Nhóm đối tượng này sử dụng công nghệ AI để ghép mặt nạn nhân vào video nhạy cảm, sau đó gửi email hoặc tin nhắn tống tiền. Nhờ sự giúp đỡ của cơ quan Công an, vụ án nhanh chóng được điều tra, nhóm đối tượng bị bắt giữ cùng nhiều tang vật liên quan. Những câu chuyện trên là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ chỉ một sơ suất nhỏ trong việc bảo vệ thông tin cá nhân, bất cứ ai cũng có thể trở thành mục tiêu của tội phạm công nghệ cao.

Trước sự phát triển không ngừng của công nghệ, việc tự bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ trên không gian mạng là vô cùng cần thiết. Cục CSHS, Bộ Công an cùng Công an TP. Hà Nội và lực lượng Công an ở các tỉnh, thành phố đã đưa ra những khuyến cáo cụ thể nhằm giúp người dân tránh rơi vào bẫy lừa đảo. Người dân cần hạn chế tối đa việc chia sẻ hình ảnh cá nhân trên mạng. Nguyên tắc càng ít thông tin cá nhân bị lộ, nguy cơ bị lợi dụng càng thấp. Không đăng tải những hình ảnh riêng tư hoặc nhạy cảm lên mạng xã hội, ngay cả trong các nhóm kín.

Người dân cũng cần chủ động nâng cao hiểu biết về deepfake và bảo vệ tài khoản cá nhân khi những chiêu trò chiếm đoạt mật khẩu, tài khoản ngân hàng hiện nay càng nhiều. Người dân, người sử dụng mạng xã hội cần cảnh giác trước các ứng dụng lạ có yêu cầu cấp quyền truy cập ảnh và video. Đối với những tài khoản ngân hàng, mạng xã hội cần phải sử dụng mật khẩu mạnh, kích hoạt bảo mật nhiều lớp cho các tài khoản mạng xã hội.

Trong trường hợp bị các đối tượng gửi hình ảnh, video đe dọa, người dân cần bình tĩnh. Nếu rơi vào tình huống bị tống tiền, tuyệt đối không vội vã chuyển tiền hay thực hiện yêu cầu của kẻ xấu. Hãy lưu lại bằng chứng và báo cáo ngay cho cơ quan Công an. Việc trình báo sớm không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn góp phần ngăn chặn tội phạm tiếp tục hoành hành. Người dân có thể liên hệ với cơ quan Công an địa phương hoặc đường dây nóng của Bộ Công an để được hỗ trợ.

Không chỉ tự nâng cao hiểu biết, ý thức tự bảo vệ bản thân, người dân cần tuyên truyền và cảnh báo cho người thân, bạn bè; nhắc nhở mọi người xung quanh về nguy cơ của deepfake và các thủ đoạn lừa đảo trên mạng để cùng nhau nâng cao cảnh giác.

Theo Báo điện tử Luật sư Việt Nam

Link gốc : https://lsvn.vn/nguoi-dan-tiep-tuc-nang-cao-canh-giac-voi-cac-thu-doan-cua-toi-pham-cong-nghe-cao-a155502.html

Bạn đang đọc bài viết Người dân tiếp tục nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao tại chuyên mục Cảnh báo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cảnh báo