Hiện tại, tổng số tiền FLC đã đầu tư vào Bamboo Airways khoảng 4.015 tỷ đồng, tương đương 21,7% vốn điều lệ của hãng hàng không này.
Tại phiên họp Đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần 2 diễn ra vào sáng 4/3 của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã: FLC), đại diện Ban điều hành trình bày trước cổ đông, trong giai đoạn 2020 - 2022, FLC chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là các vấn đề pháp lý liên quan đến một số nguyên lãnh đạo cấp cao.
Thông tin tại Đại hội, Chủ tịch FLC Lê Bá Nguyên cho biết đang xem xét chuyển nhượng cổ phiếu BAV của Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Tuy nhiên, FLC cần xây dựng phương án đánh giá cụ thể bởi các chuyên gia tài chính, sau đó mới có thể đưa ra kế hoạch cụ thể. Khi có kế hoạch cụ thể, FLC sẽ thực hiện công bố thông tin để các cổ đông được biết.
Hiện tại, tổng số tiền FLC đã đầu tư vào Bamboo Airways khoảng 4.015 tỷ đồng, tương đương 21,7% vốn điều lệ của hãng hàng không này. Tại báo cáo tài chính quý công bố gần nhất hồi tháng 10 năm ngoái, FLC vẫn ghi nhận Bamboo Airways là công ty liên kết.
Theo quy định kế toán, khi Bamboo Airways hoạt động thua lỗ, FLC phải trích lập dự phòng đầu tư theo tỷ lệ sở hữu. Số FLC đã trích lập năm 2021 giữ nguyên là khoảng hơn 300 tỷ đồng. Số tiền FLC dự kiến trích lập cho năm 2022 có thể lên tới 3.642 tỷ đồng.
Sau khi cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt gần một năm trước, Cục Hàng không Việt Nam đã thông tin về tỷ lệ sở hữu của Bamboo Airways.
Tại thời điểm đầu tháng 4/2022, theo cơ quan này, FLC góp hơn 3.580 tỷ đồng, tương đương 51,24% (ông Quyết nắm 30,3% vốn FLC, tương đương 1.088 tỷ đồng); ông Quyết góp hơn 2.800 tỷ đồng, tương đương 40,03%.
Các cổ đông khác góp hơn 610 tỷ đồng, tương đương 8,73%. Như vậy, theo tính toán của Cục Hàng không, tổng vốn góp của ông Quyết khoảng 3.890 tỷ đồng, chiếm 55,5% vốn Bamboo Airways.