Chiếc mũ này đang được các cửa hàng giới thiệu là có thể ngăn ngừa virus SARS-Cov-2, bởi vậy vô cùng "sốt", tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, mũ này không có tác dụng ngăn ngừa hoàn toàn với virus như quảng cáo.
Thời gian gần đây, nhiều người dân Thủ đô đua nhau đặt mua chiếc mũ có gắn thêm tấm nhựa phía trước vì thấy quảng cáo rằng lớp nhựa này có thể ngăn được những giọt bắn nước bọt người đối diện khi nói chuyện, từ đó hoàn toàn chống lại được virus SARS-Cov-2. Số lượng người đặt mua ngày càng tăng khiến cho sản phẩm này trở nên “hot”.
Đây là loại mũ được người bán đặt tên “Mũ chắn giọt bắn”, có giá từ 120.000 - 600.000 đồng/chiếc, xuất xứ cũng đa dạng. Nhiều cửa hàng kinh doanh mũ tại Thủ đô Hà Nội và các shop bán online quảng cáo là hàng từ châu Âu nhập về thì có giá đắt hơn; hàng từ Trung Quốc rẻ hơn; thậm chí có shop còn khẳng định là họ mua dây chuyền về sản xuất hàng loạt.
Sản phẩm "Mũ chắn giọt bắn" đang được rao bán rất nhiều tại các cửa hàng cũng như các shop bán hàng online. |
Anh Bùi Đình Hiếu (phường Phương Mai, Hà Nội) cho biết, anh đã đặt mua 2 chiếc mũ với giá 300.000 đồng cho vợ và con gái. Theo quảng cáo từ người bán, loại mũ này lại có tác dụng chống lại giọt bắn từ người nói chuyện đối diện.
Cò anh Đoàn Mạnh Hùng (quản lý của một cửa hàng bán online tại Cầu Giấy) chia sẻ, chiếc mũ này có thể giặt sạch sau khi sử dụng, tấm nhựa gắn phía trước thì chỉ cần sử dụng cồn hoặc nước rửa tay sát khuẩn là có thể vệ sinh sạch sẽ. Hiện cửa hàng của anh có nhiều loại mũ, dành cho cả trẻ em và người lớn.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là những chiếc mũ này có hoàn toàn ngăn ngừa được virus SARS-Cov-2 như lời quảng cáo hay không? Phóng viên Báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô để xác thực thông tin này.
Theo bác sĩ Vũ Hoài Nam - Phó Trưởng Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô: Trong y học nói chung và trong quá trình thăm khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân nói riêng, việc bác sĩ, y tá, nhân viên y tế dùng các sản phẩm mũ có nhựa chắn trước mắt (hoặc các sản phẩm làm từ nhựa đeo trước miệng) để tránh dịch tiết từ bệnh nhân bắn vào mặt khi điều trị là có. Tuy nhiên, những sản phẩm này thường có những thông số theo tiêu chuẩn riêng của ngành y tế, không dùng nhựa tái chế, không được chứa chất độc hại, không phải là sản phẩm đại trà dùng bừa bãi. Và các y bác sĩ cũng chỉ dùng trong những trường hợp tiếp xúc gần như khám mắt, họng, trong quá mình phẫu thuật, chứ không hề dùng thường xuyên.
Bác sĩ Vũ Hoài Nam khẳng định, virus SARS-Cov-2 không chỉ lây qua giọt bắn trực tiếp từ nước bọt, mà còn lây qua các đường tiếc xúc trực tiếp như bắt tay, gián tiếp như việc chạm vào các đồ vậy có virus SARS-Cov-2… Do đó chắc chắn rằng, mũ chắn giọt bắn chỉ là sản phẩm hỗ trợ thêm nếu sản phẩm được Bộ Y tế cấp giấy phép chứng nhận chất lượng, và người sử dụng có các biện pháp khử khuẩn đúng cách (nếu tái sử dụng) theo khuyến cáo từ Bộ Y tế.
Bác sĩ Vũ Hoài Nam cũng cho rằng, người sử dụng mũ chắn giọt bắn chỉ cần chủ quan, lơ là việc vệ sinh khử khuẩn sau mỗi lần sử dụng như: Chạm tay vào mũ chưa được khử khuẩn, sau đó đưa lên mắt, mũi hoặc miệng… rồi tiếp xúc với người khác thì nguy cơ lây nhiễm chéo cao hơn rất nhiều. Đó là chưa kể đến việc mũ có miếng nhựa chắn trước mắt nếu sử dụng nhựa tái chế sẽ có nhiều chất độc hại; sẽ không đủ độ trong suốt gây hạn chế tầm nhìn khi người đội mũ điều khiển các phương tiện giao thông…
“Thế nên, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất trong thời điểm này, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng (hoặc gel rửa tay khô) và sử dụng khẩu trang ở những nơi công cộng, nâng cao ý thức cá nhân để tránh lây nhiễm cho cộng đồng”, bác sĩ Vũ Hoài Nam chia sẻ.
Theo Báo tin tức