Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Bị nhà đầu tư Thái Lan tố 'lật kèo', Aqua One của Shark Liên làm ăn ra sao?

Tài chính Doanh nghiệp 11:05 09/10/2021

Tập đoàn Thái Lan WHAUP đã đệ đơn kiện lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam yêu cầu Aqua One của Shark Liên mua lại cổ phần trong công ty Sông Đuống như đã thỏa thuận.

WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP), một tập đoàn có trụ sở ở Thái Lan, mới đây đã gửi đơn cho Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) để bắt đầu quá trình giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài thương mại ở Việt Nam.

Theo đó, ngày 30/9, WHAUP (SG) 2DR, một công ty con của WHAUP, đã đệ đơn lên lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến vi phạm không hoàn thành các nghĩa vụ theo thỏa thuận mua bán cổ phần của CTCP Nước Aqua One và ông Đỗ Tất Thắng.

Theo thông tin tìm hiểu được, trong hai năm 2019 và 2020, Aqua One đều không ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Nhà đầu tư Thái Lan tố doanh nghiệp của Shark Liên huỷ kèo mua cổ phần Công ty Sông Đuống.

Nhà đầu tư Thái Lan tố doanh nghiệp của Shark Liên huỷ kèo mua cổ phần Công ty Sông Đuống.

Năm 2019, doanh thu hoạt động tài chính Aqua One có gần 105 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp này báo lãi sau thuế 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang đến năm 2020 Aqua One lỗ ròng gần 67 tỷ đồng.

Tính đến hết năm tài chính 2020, Aqua One lỗ luỹ kế 68,4 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.969 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 2.694 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong những năm này, cả vay nợ ngắn hạn và dài hạn của Aqua One đều tăng khiến tổng nợ vay lên tới 674 tỷ đồng.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh của CTCP Nước mặt Sông Đuống, nơi Aqua One nắm giữ đến 40% vốn, cũng không khả qua hơn.

Kết thúc năm 2020 Sông Đuống ghi nhận doanh thu thuần đạt 329 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng đến 64% khiến lãi gộp doanh nghiệp chỉ đạt 64 tỷ đồng, giảm 2 tỷ đồng so với năm 2019.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 67% về 2 tỷ đồng; chi phí lãi vay tăng 42% lên 304 tỷ đồng; chi phí bán hàng gấp đôi lên 9 tỳ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 12% lên 18 tỷ đồng. Kết quả, CTCP Nước mặt Sông Đuống lỗ ròng 266 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 192 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nợ phải trả của Sông Đuống lên đến 3.971 tỷ đồng trong năm 2020, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ còn 549 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu lên đến 7,2 lần, một tỷ lệ đáng báo động cho các cổ đông của doanh nghiệp.

Trong số này, chủ yếu là vay nợ dài hạn với 3.733 tỷ đồng. Lưu ý rằng, trong năm 2020, Sông Đuống đã phải chi tới 304 tỷ đồng cho việc trả lãi vay, xấp xỉ bằng doanh thu trong kỳ của doanh nghiệp.

Liên quan đến vụ Tập đoàn Thái Lan "tố" Aqua One của Shark Liên lật kèo không thực hiện thỏa thuận mua lại cổ phần trong công ty Sông Đuống. Được biết, theo thỏa thuận mua bán cổ phần, WHAUP (SG) 2DR được quyền bán toàn bộ cổ phần của mình tại CTCP Nước mặt Sông Đuống (Công ty Sông Đuống) cho Aqua One (cổ đông lớn của công ty Sông Đuống), với giá mà WHAUP (SG) 2DR đã thanh toán đối với các cổ phần đó cộng với giá vốn ghi sổ theo quy định trong hợp đồng mua bán cổ phần.

Quyền bán chỉ thực hiện nếu Công ty Sông Đuống không chuyển cho WHAUP (SG) 2DR giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sửa đổi trước ngày 25/10/2020, bao gồm nội dung nâng công suất khai thác của công ty Sông Đuống từ 300.000 m3/ngày lên 600.000 m3/ngày.

Theo hợp đồng, Aqua One có vai trò là bên bảo lãnh cho ông Đỗ Tất Thắng và công ty Sông Đuống cho nghĩa vụ xin IRC (Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) sửa đổi. Tuy nhiên, công ty Sông Đuống, Aqua One và ông Đỗ Tất Thắng đã không chuyển được IRC sửa đổi cho WHATUP (SG) 2DR trước thời hạn.

Sau đó ngày 23/11/2020, WHAUP (SG) 2DR đã gửi thông báo cho Aqua One về việc doanh nghiệp sẽ thực hiện quyền bán cổ phần tại công ty Sông Đuống cho Aqua One. Theo đó, Aqua One có nghĩa vụ mua cổ phần của WHAUP (SG) 2DR trước ngày 7/6 theo quy định thỏa thuận.

Nhưng đến ngày 30/9, Aqua One vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ nêu trên. Do đó, việc WHAUP gửi đơn lên VIAC là nhằm bảo toàn các quyền của công ty theo hợp đồng mua bán cổ phần, đồng thời quá trình trọng tài sẽ buộc Aqua One thực hiện nghĩa vụ của mình theo các điều khoản trong hợp đồng.

Trường hợp hội đồng trọng tài đưa ra quyết định Aqua One phải mua cổ phần của WHAUP (SG) 2DR với giá thỏa thuận như quy định trong hợp đồng, WHAUP (SG) 2DR quyết định bán tất cả cổ phần hiện đang nắm giữ tại công ty Sông Đuống cho Aqua One.

WHAUP (SG) 2DR sẽ nhận được giá mua hơn 1.886 tỷ đồng cộng với chi phí bảo tồn hàng kho trong khoảng thời gian kể từ ngày WHAUP (SG) 2DR thanh toán số cổ phiếu đó đến ngày công ty nhận đủ số tiền thanh toán.

Trước đó tháng 10/2019, WHAUP đã mua lại hơn 33,98 triệu cổ phần (tương ứng với 34% vốn điều lệ) của công ty Sông Đuống từ ông Đặng Tất Thắng thông qua công ty con WHAUP (SG) 2DR. Thương vụ trị giá khoảng 2.073,19 tỷ đồng.

Sau thương vụ trên, WHAUP là cổ đông lớn thứ hai tại công ty Sông Đuống, chỉ sau Aqua One.

Aqua One và WHAUP vào năm 2019 cũng đã ký kết biên bản hợp tác chiến lược về việc phát triển nhà máy nước mặt sông Đuống trong vòng 5 năm tới.

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bi-nha-dau-tu-thai-lan-to-lat-keo-aqua-one-cua-shark-lien-lam-an-ra-sao-d24672.html

Bạn đang đọc bài viết Bị nhà đầu tư Thái Lan tố 'lật kèo', Aqua One của Shark Liên làm ăn ra sao? tại chuyên mục Cần biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cần biết