Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Các nước đánh thuế bất động sản thế nào?

Tài chính doanh nghiệp 15:31 12/04/2022

Mỹ đã áp dụng thuế bất động sản được 226 năm, trong khi nhiều nước trên thế giới cũng làm tương tự để chống đầu cơ nhà đất.

Trong khi nhiều đại gia bất động sản châu Á làm giàu nhờ phân lô bán nền, người dân đua nhau mua đất để dành, qua đó đẩy giá nhà tăng nóng, điều này lại là điều phi thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy các nước này có chính sách đánh thuế bất động sản như thế nào?

Tại Mỹ, người mua bất động sản sẽ phải thanh toán nhiều loại thuế liên bang và tiểu bang. Thậm chí tại một số khu vực, người sở hữu nhà đất sẽ phải chi trả thêm một số loại thuế và phí khác, như thuế phát triển cơ sở hạ tầng hay phí hiệp hội dân cư... nhằm phát triển trường học, bệnh viện.

Thuế liên bang đồng nhất trên toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ, trong khi thuế tiểu bang tùy từng khu vực. Ví dụ như ở bang California là 1% thuế trên tổng giá trị căn nhà tính theo giá mua, nhưng con số này lại ở Texas là 3%, tuy nhiên giá nhà ở đây lại rẻ hơn California.

Tại Mỹ, người mua bất động sản sẽ phải thanh toán nhiều loại thuế liên bang và tiểu bang. (Ảnh minh họa - Ảnh: New York Times)

Tại Mỹ, người mua bất động sản sẽ phải thanh toán nhiều loại thuế liên bang và tiểu bang. (Ảnh minh họa - Ảnh: New York Times)

Theo các chuyên gia, thuế đất tương đối cao cùng với sự quản lý nghiêm khắc khiến câu chuyện mua nhà để dành làm của cải tích trữ hay làm quỹ đất để phân lô bán nền là điều phi thực tế tại Mỹ. Nếu không đóng thuế, chủ sở hữu sẽ bị phạt, nếu không đóng phạt thì chính phủ sẽ đưa khoản nợ đó vào hồ sơ giao dịch để khấu trừ khi bán nhà.

Trong trường hợp người mua vay tiền ngân hàng, lãi suất tiền vay sẽ được khấu trừ vào lợi nhuận phát sinh từ khu đất, qua đó giảm số tiền đóng thuế của chủ sở hữu. Đây là một trong những lý do chính khiến nhiều đại gia bất động sản Mỹ như tỷ phú Donald Trump vay tiền ngân hàng dù họ không thiếu vốn.

Mỹ đã áp dụng thuế bất động sản được 226 năm, trong khi nhiều nước trên thế giới cũng làm tương tự để chống đầu cơ nhà đất. Giá nhà đất ở châu Âu chưa có thuế cũng ở mức khá cao, khiến nhiều người thu nhập trung bình khó có thể sở hữu căn nhà đầu tiên.

"Căn hộ rất đẹp. Nó rộng 60 m2, chủ mới thậm chí có thể sửa sang lại theo ý muốn. Nó có giá 11.758 USD cho mỗi m2 và đó là lý do tại sao rất nhiều người không thể mua. Thật đáng tiếc", bà Barbora Merknerova, nhân viên tư vấn bất động sản, Praha, Cộng hòa Czech, cho hay.

Tại Anh, thuế dành cho bất động sản được chia làm hai loại bao gồm thuế dành cho nhà thứ nhất và thuế dành cho nhà thứ hai trở đi. Trong đó, thuế cho căn nhà đầu tiên khá nhẹ, chỉ vào khoảng 2% nếu giá trị trên 125.000 USD, nếu dưới con số này thì sẽ được miễn thuế.

Tại Singapore, nhà có giá trị dưới 8.000 USD được miễn thuế, còn nếu đắt hơn thì mức thuế là 4 - 16%. Đặc biệt, thuế bất động sản với nhà đất bỏ hoang là 10 - 20%.

Ở Phần Lan, mức thuế bất động sản là khoảng 1,2 - 2%, nhưng đất thương mại vượt mức 29.200 USD sẽ chịu mức thuế gấp 1,3 lần.

Tại Hàn Quốc, mức thuế bất động sản cũng dao động tùy mục đích sử dụng. Ví dụ nếu dùng đất kinh doanh cho những hoạt động xa xỉ như xây sân golf hay resort hạng sang sẽ phải chịu 4%, trong khi với nhà thông thường chỉ là 0,1 - 0,4%.

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/cac-nuoc-danh-thue-bat-dong-san-the-nao-d29048.html

Bạn đang đọc bài viết Các nước đánh thuế bất động sản thế nào? tại chuyên mục Cần biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cần biết