Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Thị trường OTC là gì? Một số đặc trưng cơ bản của thị trường OTC

TDVN 23:18 06/12/2019

Thị trường OTC hay còn gọi là thị trường phi tập trung, là thị trường được tổ chức không dựa vào một mặt bằng giao dịch cố định như thị trường sàn giao dịch (thị trường giao dịch tập trung).

Thị trường OTC là gì?

OTC là viết tắt của "Over The Counter", như vậy có thể hiểu thị trường OTC là nơi giao dịch cổ phiếu với phương thức giao dịch thủ công tại quầy không chính thức của các ngân hàng, các công ty chứng khoán hay tại công ty phát hành cổ phiếu, được quy định theo từng cổ phiếu.

Thị trường OTC hay còn gọi là thị trường phi tập trung, là thị trường được tổ chức không dựa vào một mặt bằng giao dịch cố định như thị trường sàn giao dịch (thị trường giao dịch tập trung), mà dựa vào một hệ thống vận hành theo cơ chế chào giá cạnh tranh và thương lượng thông qua sự trợ giúp của các phương tiện thông tin.

Thị trường OTC không có một không gian giao dịch tập trung. Thị trường này thường được các CTCK cùng nhau duy trì, việc giao dịch và thông tin được dựa vào hệ thống điện thoại và Internet với sự trợ giúp của các thiết bị đầu cuối.

Tính thanh khoản của các loại chứng khoán trên thị trường OTC thường thấp hơn thị trường giao dịch tập trung, chứa đựng nhiều rủi ro hơn, song cũng có thể đem lại nhiều lợi nhuận hơn.

Cổ phiếu OTC là cổ phiếu chưa niêm yết tập trung trên sàn chứng khoán. Giá giao dịch thể hiện trên giấy tờ theo mệnh giá là 10.000 VND, mặc dù giá giao dịch thực tế có thể chênh lệch nhiều lần so với mệnh giá.

Giai đoạn sơ khai của việc mua bán chứng khoán được thực hiện một cách thủ công tại quầy của các ngân hàng và các công ty chứng khoán. Phương thức giao dịch chủ yếu là mua bán trực tiếp, thương lượng thỏa thuận giá. Giá OTC lên hay xuống không theo một biên độ nhất định nào.

Một số đặc trưng cơ bản

- NĐT và tổ chức của các NĐT: việc tham gia thị trường OTC rất đơn giản. Tuy nhiên, hoạt động của các NĐT trên thị trường không phải là độc lập, mà thường lập thành các nhóm, hội, diễn đàn để trao đổi thông tin với nhau.

- Hàng hoá của thị trường: là các loại cổ phiếu của các DN cổ phần, có triển vọng phát triển, chuẩn bị niêm yết trên thị trường giao dịch tập trung hoặc có những lợi thế thương mại riêng biệt.

- Việc mua bán cổ phiếu trên thị trường OTC được thực hiện theo phương thức “thuận mua, vừa bán” mà không bị bất cứ một lực bên ngoài nào (giới hạn giá, lượng cổ phiếu…) tác động. Nói chung, cơ chế mua - bán các loại chứng khoán trên thị trường OTC theo cơ chế thị trường.

Phương thức mua bán, giao dịch

Nguyên tắc chính của giao dịch OTC là “thuận mua vừa bán”, giao dịch theo thỏa thuận và tuân theo nguyên tắc thị trường. Vậy nên để giao dịch trên Thị trường OTC, có thể tìm kiếm thông tin và thực hiện mua bán bằng cách:

  • Sử dụng dịch vụ môi giới của các công ty chứng khoán
  • Qua những lời chào bán hoặc mua trên mạng và người quen
  • Qua môi giới chứng khoán
  • Giao dịch thông qua chính công ty phát hành chứng khoán các bên đang mua/bán

Bên mua và bên bán trực tiếp gặp nhau để thương lượng, quyết định việc mua - bán chứng khoán. Đây là phương thức phổ biến hiện nay tại Việt Nam.

Hiện nay, phương thức thông qua các nhà môi giới chứng khoán ít phổ biến hơn, nhưng xu hướng phát triển của thị trường thì trong tương lai, phương thức này sẽ chiếm ưu thế hơn so với phương thức trực tiếp mua - bán.

Để mua chứng khoán trên thị trường OTC, NĐT thường tìm kiếm thông tin từ các nguồn như:

Thông tin từ các báo cáo tài chính (BCTC): nhìn chung, các CTCP chưa niêm yết không có BCTC được kiểm toán. Do những mục đích khác nhau mà DN có nhiều hệ thống sổ sách kế toán, BCTC.

Mặt khác, việc có được một bản BCTC của DN đối với một người bình thường là điều không hề đơn giản, nhất là trong điều kiện mà ngay bản thân DN không biết thông tin nào nên công bố, thông tin nào không nên. Do đó, việc thu thập thông tin từ DN qua con đường chính thức khá khó khăn, nếu NĐT không có những mối liên hệ nhất định với công ty đó.

Thu thập thông tin qua các cơ quan chức năng: Theo quy định, DN phải báo cáo tình hình hoạt động cho cơ quan đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư). Tuy nhiên, việc tuân thủ quy định này của các DN không thực sự nghiêm túc hoặc các thông tin cũng rất chung chung. Và các cơ quan chức năng cũng không có tránh nhiệm và nghĩa vụ công bố các thông tin của DN.

Vì vậy, việc có được thông tin từ các cơ quan này gần như là bất khả thi đối với NĐT. Ngoài ra, còn có một tổ chức lưu trữ thông tin về các DN, đó là Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước. Trung tâm này lưu trữ thông tin cơ bản của các DN có quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tính cập nhật của các thông tin này không cao.

Thu thập thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng: khi không thể thu thập thông tin về DN từ các đầu mối thông tin nêu trên, NĐT có thể thu thập thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, nhược điểm của nguồn dữ liệu này là rời rạc, độ tin cậy không cao.

Thu thập thông tin từ các nguồn khác: thông tin từ những hội, nhóm kinh doanh chứng khoán, thông tin không chính thức từ bên trong DN… Nhìn chung, các nguồn thông tin nêu trên không đủ căn cứ vững chắc và không chính xác để NĐT ra quyết định. Nhưng trong thực tế, các chứng khoán vẫn được mua bán, chuyển nhượng, thậm chí, tại những thời điểm cao trào, nhiều loại chứng khoán được mua bán, chuyển nhượng rất sôi động.

Theo Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://dautuvietnam.com.vn/dau-tu/tai-chinh-ngan-hang/thi-truong-otc-la-gi-mot-so-dac-trung-co-ban-cua-thi-truong-otc-a3254.html

Bạn đang đọc bài viết Thị trường OTC là gì? Một số đặc trưng cơ bản của thị trường OTC tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán