Trong “Đơn cầu cứu” đại diện nhóm cổ đông HAGL trình bày: “Thời gian qua có thông tin lan truyền trên báo đài và mạng xã hội về việc HoSE sẽ hủy niêm yết cổ phiếu HAG. Thông tin này đã và đang gây thiệt hại rất lớn cho chúng tôi vì giá cổ phiếu liên tiếp giảm sâu. Lý do được đưa ra là các cơ quan chức năng sẽ hủy niêm yết cổ phiếu HAG vì lỗ liên tiếp trong 3 năm 2017, 2018, 2019”.
Quan sát diễn biến thị trường, dễ nhận thấy cổ phiếu HAG đang thực sự “tụt dốc”. Mở phiên giao dịch sáng 14-2, giá cổ phiếu HAG đã nằm sàn (giảm 6,85%), xuống mức 11.500 đồng/cp, trắng bên mua, dư bán hơn 11 triệu đơn vị ngay đầu giờ sáng.
Sự cố với mã HAG khiến các cổ đông tâm huyết hết sức bức xúc. Họ khẳng định thông tin HoSE hủy niêm yết là chưa rõ ràng. Đặc biệt hơn là các căn cứ dẫn đến việc hủy niêm yết không thấu tình đạt lý. Nhóm cố đông cho rằng đang có một kế hoạch tung tin sai sự thật nhằm gây thiệt hại cho HAGL.
Trong đơn thư đại diện nhóm cổ đông nêu các lập luận: “Thứ nhất, Nghị định 155/2020/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 31-12-2020 hướng dẫn Luật Chứng Khoán, tại Điều 120, khoản 1, điểm e, thì không có quy định hồi tố lỗ.
Thứ 2, thông tin được công ty nêu ra là năm 2019 công ty làm ăn có lãi, tức là dù có hồi tố hay không, không có chuyện công ty lỗ suốt 3 năm như các thông tin lan truyền.
Thứ 3, công ty công bố BCTC 2020 (Báo cáo tài chính) có kiểm toán và nội dung hồi tố từ tháng 3-2021, nhưng tại sao 10 tháng sau mới có thông tin báo hủy?...
Thứ 4, BCTC các năm 2017, 2018, 2019 không có kiểm toán và không có giá trị pháp lý để xem xét có hủy niêm yết hay không”.
Nhóm cổ đông trên cũng đặt câu hỏi, họ mua cổ phiếu thời điểm sau ngày phát hành báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020 (Tháng 4/2021) và không thấy cảnh báo nào từ cơ quan quản lý. Đặc biệt, giai đoạn sau Công ty HAGL có những thể hiện hồi sinh tích cực. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những tổn thất của họ? Nếu quyết định niêm yếu của HoSE xảy ra đồng nghĩa sẽ “giết chết” các cổ đông, gây hệ lụy tiêu cực lên thị trường chung.
Từ các lập luận, nhóm cổ đông đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03- Bộ Công An), Bộ Tài Chính, UBCKNN, HoSE điều tra, làm rõ việc có hay không việc tung tin sai sự thật phá hoại cổ phiếu HAG, hủy hoại sự minh bạch thị trường. Và nếu có, cần nêu ra các căn cứ dẫn đến việc hủy niêm yết.
Trước khi có thông tin hủy niêm yết mã HAG, hoạt động của doanh nghiệp này cho thấy những tín hiệu tích cực. Giá cổ phiếu HAG đã tăng mạnh kể từ tháng 11 - 2020 từ vùng giá 6.000 đồng/cp lên mức cao nhất là 16.000 đồng/cp trước khi điều chỉnh xuống 11.550 đồng/cp như hiện nay do kỳ vọng lớn từ cổ đông vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2021 và 2022.
Được biết, thông tin về việc huỷ niêm yết HAG chính thức được đưa ra thị trường ngày 27-1 -2022, khi ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc HAGL cho biết, đã có văn bản về việc điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính và khiến lợi nhuận sau thuế các năm 2017, 2018 và 2019 đều bị lỗ.
Căn cứ vào nghị định 155/2020 do Chính phủ ban hành, HAGL rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc do làm ăn thua lỗ trong 3 năm liên tục.
Ngay sau đó, HAGL đã có văn bản xin kiến nghị của UBCKNN và HoSE để không hủy niêm yết cổ phiếu HAG trên HoSE với lý do, hầu hết các cổ đông nắm giữ cổ phiếu HAG đều mua dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai, chứ không dựa vào các thông tin tài chính trong quá khứ cách 3 - 5 năm.