Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Đà Nẵng: Tại sao nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản?

Nguyễn Duy Cường 18:53 05/04/2023

Số doanh nghiệp thành lập mới gia nhập thị trường và số doanh nghiệp tạm ngừng quay trở lại hoạt động tại Tp.Đà Nẵng đều có chỉ số giảm so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp tạm dừng hoạt động không ngừng tăng

Ngày 2/4, theo ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Tp.Đà Nẵng, sau thời gian dài gồng mình chống dịch, khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn; sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có xu hướng tăng chậm lại.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp chịu sức ép lạm phát còn cao; lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn vè huy động vốn, tăng chi phí sản xuất; động lực thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường lớn gặp nhiều khó khăn thách thức khi đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do sức cầu suy giảm…

Trước những diễn biến bất ổn của thị trường, cộng đồng doanh nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, khiến cho số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có xu hướng gia tăng trong những tháng đầu năm 2023. Số doanh nghiệp thành lập mới gia nhập thị trường và số doanh nghiệp tạm ngừng quay trở lại hoạt động đều có chỉ số giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia nhập thị trường trong tháng 3 năm 2023 tăng trên 50% so với hai tháng đầu năm, tuy nhiên so với cùng kỳ giảm mạnh cả về số lượng và quy mô nguồn vốn đăng ký.

Tính từ 16/2 đến 15/3, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 413 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, với tổng vốn đăng ký đạt 1.692 tỷ đồng, giảm 9,6 % về số doanh nghiệp và giảm 61,8% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.

Nhiều người dân phải tìm công việc mới sau khi nghỉ ở doanh nghiệp cũ.

Tính chung quý I năm 2023, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 812 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 3.216 tỷ đồng. So cùng kỳ, giảm 7,8% về số doanh nghiệp và giảm 51,7% về số vốn đăng ký.

Có 168 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và rút lui khỏi thị trường kinh doanh, tăng 7,7% so với cùng kỳ.

Cũng theo ông Vũ, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, nguồn cung khan hiếm, nguồn cầu sụt giảm đã đẩy nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là những doanh nghiệp lệ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay.

Tính từ đầu năm đến 15/3, số doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động không ngừng tăng lên 2.231 doanh nghiệp, vượt xa con số đăng ký mới và quay trở lại hoạt động và tăng 47% so với cùng thời điểm năm 2022. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng quay trở lại hoạt động khá khiêm tốn, chỉ 673 doanh nghiệp, giảm 42,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Xu hướng sản xuất kinh doanh doanh nghiệp sắp tới thế nào?

Ông Vũ thông tin them, dựa vào kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của một số doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn quý I năm 2023 cho thấy, có 21,1% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I ổn định tốt so với quý IV năm 2022 và có đến 50,7% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

Tuy nhiên, dự kiến quý II năm 2023, có 42,3% doanh nghiệp lạc quan cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn quý I; 25,4% doanh nghiệp dự báo tình hình sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó nhận định này thiên về khối doanh nghiệp ngoài nhà nước với tỷ lệ 31%.

Nhiều doanh nghiệp hy vọng tình hình sản xuất, đơn hàng sẽ khởi sắc trong quý mới.

Về khối lượng sản xuất, có 21,1% số doanh nghiệp đánh giá khối sản xuất của doanh nghiệp quý I tăng so với quý IV năm 2022; 49,3% só doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm xuống 29,6% số doanh nghiệp cho rằng khối lượng sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo kỳ báo cáo so với kỳ trước không thay đổi.

Dự kiến quý tiếp theo có 43,7% số doanh nghiệp lạc quan vào thị trường tiêu thụ sẽ tăng lên làm gia tăng khối lượng sản xuất, 25,4% doanh nghiệp vẫn cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục suy giảm.

Về đơn đặt hàng, cùng với nhận định như khối lượng sản xuất, trong quý I năm 2023 có đến 47% doanh nghiệp cho rằng tình hình đơn đặt hàng quý I so với quý 4/2022 sẽ có sự sụt giảm. Tuy nhiên, nhận định này trong quý II/2023 đã giảm xuống còn 27,3% và có 39,4% số doanh nghiệp tin tưởng đơn đặt hàng sẽ tăng trong quý tiếp theo.

Theo Người đưa tin

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/da-nang-tai-sao-nhieu-doanh-nghiep-dung-truoc-nguy-co-pha-san-a601040.html

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng: Tại sao nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản? tại chuyên mục Cần biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cần biết