Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Agribank hay VDB phải chịu trách nhiệm trước khoản nợ xấu gần 500 trăm tỷ?

TDVN 08:21 24/08/2020

Đầu năm 2020, TAND quận Đống Đa TP Hà Nội đã có thông báo về việc thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng bảo lãnh. Trong đó, nguyên đơn trong vụ kiện là Ngân hàng Agribank, bị đơn là Ngân hàng PVDB.

Hai “ông lớn” đưa nhau ra tòa

Ngày 02/02/2009, Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex nhận chuyển nhượng nhà máy kéo sợi thuộc sở hữu của Công ty TNHH Vĩnh Phát theo Hợp đồng chuyển nhượng ngày 02/02/2009 nhằm thực hiện dự án nhà máy sợi công suất 4.800 tấn/năm với giá chuyển nhượng là 427.700.000.000 đồng.

Để có vốn thực hiện dự án, Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex đã vay vốn tại Agribank - Chi nhánh Nam Hà Nội và VDB là bên bảo lãnh với số tiền là 379.830.000.000 đồng.

Ngân hàng phát triển Việt Nam.

Theo trình bày từ phía Agribank, ngày 24/06/2009, VDB phát hành chứng thư bảo lãnh, chấp nhận bảo lãnh cho Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex vay vốn tại Agribank - Chi nhánh Nam Hà Nội theo Hợp đồng tín dụng số 2442/2009/NHN-DATEX. Tổng số tiền được bảo lãnh bao gồm số vốn vay 379.830.000.000 đồng và số vay được phát sinh trên số nợ gốc được bảo lãnh theo Hợp đồng tín dụng, thời hạn vay là 132 tháng.

Tuy nhiên, Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ cho Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội. Tính đến ngày 12/07/2012, Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex đã quá hạn 02 kỳ trả gốc (kỳ ngày 02/03/2012 và kỳ ngày 02/06/2012) với tổng số tiền gốc quá hạn là 18.000.000.000 đồng và quá hạn trả lãi từ ngày 13/07/2011. Hiện nay số tiền này vẫn tiếp tục tăng lên. Vì thế, Agribank đã kiện VDB về việc tranh chấp hợp đồng bảo lãnh.

Ở một diễn biến khác, ngày 05/12/2013, Agribank đã ký hợp đồng mua bán nợ thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt số 25/2013/MB1 đối với khoản nợ của Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (“VAMC”). Ngày 24/01/2014, SGDI đã phát hành văn bản số 152/NHPT.SGDI-BL gửi đến Agribank thông báo chứng thư bảo lãnh chấm dứt, hết hiệu lực do VAMC không thuộc trường hợp được nhận bảo lãnh; đồng thời đề nghị VAMC phối hợp tiếp nhận tài sản bảo đảm.

Ngày 22/09/2016, Agribank, VDB và Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex đã tiến hành làm việc. Tại buổi làm việc này, VDB tiếp tục thể hiện quan điểm chứng thư bảo lãnh chấm dứt, hết hiệu lực do Agribank bán nợ và VAMC không thuộc trường hợp được nhận bảo lãnh; đồng thời đề nghị Agribank hoàn trả bản gốc chứng thư bảo lãnh và đề nghị VAMC phối hợp tiếp nhận tài sản bảo đảm.

Năm 2018, Agribank đã mua lại khoản nợ xấu của Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex từ VAMC, sau đó tiếp tục yêu cầu SGDI thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Ngày 29/06/2018, SGDI đã phát hành văn bản số 968/NHPT.SGDI-BL về chứng thư bảo lãnh hết hiệu lực, tiếp tục thông báo về việc chứng thư bảo lãnh số 22/NHPT.SGDI-CTBL ngày 24/06/2009 đã hết hiệu lực tại thời điểm Agribank bán nợ cho VAMC, đồng thời yêu cầu Agribank nhận lại tài sản bảo đảm tiền vay để xử lý thu hồi nợ và bàn giao bản gốc chứng thư bảo lãnh cho SGDI.

Theo VDB, chứng thư bảo lãnh số 22/NHPT.SGDI-CTBL ngày 24/06/2009 đã chấm dứt hiệu lực tại thời điểm Agribank bán nợ cho VAMC ngày 05/12/2013 nên Agribank không còn quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Có dấu hiệu lừa đảo?

Khi nhắc đến Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex thì phải nhắc đến Công ty TNHH Vĩnh Phát vì mối quan hệ mật thiết của 2 Công ty này trong việc thực hiện khoản vay nói trên.

Chứng thư thẩm định.

Và đơn vị ủy quyền cho Công ty TNHH Vĩnh Phát ủy quyền chuyển nhượng là Công ty cổ phần Tân An, đơn vị sử dụng chung nhà xưởng với Công ty TNHH Vĩnh Phát, ông Phạm Trường Giang - cổ đông sở hữu 25% vốn điều lệ, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Tân An, cũng chính là cổ đông lớn của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Cường và có giai đoạn là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Cường. Như vậy, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Cường có liên quan chặt chẽ, thậm chí trực tiếp hoặc gián tiếp có quyền định đoạt tài sản của Công ty TNHH Vĩnh Phát, Công ty cổ phần Tân An; đồng thời, lại là đơn vị tư vấn lập dự án nâng công suất nhà máy Datex lên 4.800 tấn/năm.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn – người nhận chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex từ ngày 22/04/2009, đến ngày 26/11/2009 ông Nguyễn Hoàng Sơn trở thành cổ đông lớn nhất chiếm 96% cổ phần Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex.

Đầu năm 2020, Ban lãnh đạo của Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex cũng vẫn khẳng định không thể tiến hành đầu tư sản xuất và đang ký tiếp hợp đồng gia công với đối tác mới để duy trì hoạt động cầm hơi càng làm càng lỗ lớn hơn, còn hoạt động trả nợ ngân hàng hay tái cấu trúc hoạt động sản xuất công ty là bất khả thi bởi máy móc ngay tại thời điểm nhận chuyển nhượng đã bị định giá gấp đôi, gấp ba so với thị trường và đến nay gần như đã hết khấu hao, nếu muốn sản xuất phải đầu tư lại toàn bộ vì máy quá lỗi thời và không được đầu tư đồng bộ, các máy móc được coi là có giá trị đều đã hỏng hóc và khó phục hồi được.

Dự án được cấp bảo lãnh nhưng ngay sau khi được Agribank giải ngân và SGDI cấp bảo lãnh thì toàn bộ nhân sự/cổ đông ban đầu của Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex đều chuyển nhượng hoặc gán nợ để rút khỏi Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex dẫn đến thực tế điều hành là Công ty này không có cổ đông nào có kinh nghiệm về lĩnh vực dệt.

Đáng chú ý, giá trị hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex và Công ty TNHH Vĩnh Phát theo hợp đồng chuyển nhượng ngày 02/02/2009 là 427.700.000.000 đồng. Tại thời điểm thẩm định hồ sơ bảo lãnh vay vốn, Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex có vốn điều lệ chỉ có 20 tỷ đồng, không đáp ứng điều kiện tại khoản 5 điều 5 Quy chế bảo lãnh: “Có vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, phương án sản xuất kinh doanh tối thiểu 10%”.

Ngoài ra, việc thanh toán tiền của Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex cho Công ty TNHH Vĩnh Phát không theo như quy định tại Hợp đồng chuyển nhượng nhà máy, không đúng với giải trình về giá trị dự án ban đầu của Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex. Điều đặc biệt hơn nữa, tổng số tiền mà Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex chuyển cho Công ty TNHH Vĩnh Phát là 430.200.000.000 đồng nhưng theo Hợp đồng chuyển nhượng cũng như giải trình về giá trị dự án ban đầu của Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex thì giá trị dự án chỉ có 427.700.000.000 đồng. Vậy khoảng 2,5 tỷ đồng này Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex chuyển cho Công ty TNHH Vĩnh Phát vì lí do gì? Hay nói cách khác, Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex đã sử dụng 2,5 tỷ đồng từ vốn vay vào mục đích gì?

Được biết, ngày 02/8/2018, tại Sở Giao dịch I, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) đã tổ chức lễ công bố quyết định nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí đối với ông Lê Minh Trọng - Giám đốc Sở Giao dịch I.

Thêm nữa, chắc độc giả chưa quên vụ đại án: đại án 2.500 tỷ tại Agribank Nam Hà Nội với 18 bị cáo rúng động cả nước được đưa ra xét xử phúc thẩm cuối năm 2016. Số cán bộ này đa số đều công tác tại Agribank Nam Hà Nội tại thời điểm giải ngân cho vay vốn đối với Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Datex theo Hợp đồng: Hợp đồng tín dụng số: 2442/2009/NHN-DATEX.

Theo Gia đình và Pháp luật

Link gốc : https://giadinhvaphapluat.vn/agribank-hay-vdb-phai-chiu-trach-nhiem-truoc-khoan-no-xau-gan-500-tram-ty-p74136.html

Bạn đang đọc bài viết Agribank hay VDB phải chịu trách nhiệm trước khoản nợ xấu gần 500 trăm tỷ? tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng