Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Việt Nam hiện có hơn 7,4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, chiếm 8% dân số. Sự gia tăng dân số và thu nhập của người dân Việt Nam góp phần làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng, trong đó có các mặt hàng sản phẩm dành cho mẹ và bé.
Cụ thể, theo một báo cáo nghiên cứu của Euromonitor International, trong giai đoạn 2017 – 2023, nhu cầu tã cho trẻ em tại Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng kép (CAGR) lên tới 9%/năm. Tương tự, nhu cầu thực phẩm, nhu cầu quần áo, nhu cầu các sản phẩm chăm sóc da cho trẻ em Việt Nam cũng được dự báo ở mức CAGR ấn tượng, lần lượt là 0,6%; 6,2% và 5,9%/năm.
Do đó, Việt Nam được xem là một trong những thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng đối với các mặt hàng mẹ và bé.
Với việc nắm bắt thị trường và nhận được dòng vốn từ các quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước, chuỗi bán lẻ Con Cưng đã có những sự tăng trưởng nhanh chóng kể từ khi ra đời vào năm 2011.
Trong giai đoạn 2016 – 2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của CTCP Đầu tư Con Cưng (viết tắt: CCI) đạt mức tăng trưởng kép (CAGR) đáng nể, lần lượt đạt mức 72,1% và 60%.
Như VietTimes từng đề cập, năm 2019, CCI báo lãi sau thuế 11,7 tỉ đồng. Nhưng chỉ riêng 3 tháng đầu năm nay, CCI báo lãi sau thuế lên tới 20 tỉ đồng, cao gấp 1,7 lần so với cả năm 2019.
Kết quả kinh doanh khả quan của CCI giúp doanh nghiệp này huy động thành công nhiều tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu, với lãi suất tương đối “mềm”, chỉ từ 8%/năm. Đặc biệt, công ty này cũng từng được định giá lên tới 484.629 đồng/cổ phần.
CCI là công ty mẹ của 3 pháp nhân khác, bao gồm: CTCP Con Cưng (Con Cưng), CTCP Thương mại Liam (LTJSC) và CTCP Tập đoàn Sakura (Sakura Group).
Trong đó, Con Cưng – đơn vị trực tiếp quản lý chuỗi cửa hàng Con Cưng – là có kết quả kinh doanh, tăng trưởng quy mô tổng tài sản và nguồn vốn trong 4 năm gần nhất nổi bật hơn cả.
Cụ thể, theo dữ liệu của VietTimes, trong năm 2019, Con Cưng ghi nhận doanh thu thuần đạt mức 2.458,6 tỉ đồng, tăng 1,57 lần so với năm 2018. Đồng thời, công ty này cũng báo lãi thuần năm 2019 đạt 14,8 tỉ đồng, cao gấp 8,5 lần so với năm trước.
Trên bảng cân đối, tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của Con Cưng đạt tới 1.051,9 tỉ đồng, cao gấp 4,9 lần so với quy mô vốn chủ sở hữu.
Trong khi đó, LTJSC trong 3 năm gần đây hầu như không phát sinh doanh thu và cũng ghi nhận khoản lỗ vài triệu đồng mỗi năm. Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của LTJSC đạt mức 201,9 tỉ đồng, tương đương với quy mô vốn chủ sở hữu.
Đối với Sakura Group, trong 3 năm gần nhất, doanh nghiệp này cũng mới chỉ phát sinh doanh thu trong năm 2019, đạt mức 31,52 tỉ đồng, đồng thời báo lãi vỏn vẹn 750 triệu đồng. Quy mô tổng tài sản của công ty này tính đến cuối năm 2019 đạt 8,4 tỉ đồng.
Như vậy, Con Cưng có thể coi là doanh nghiệp hạt nhân, động lực tăng trưởng chính của nhóm CCI do ông Nguyễn Quốc Minh (SN 1980) làm Chủ tịch HĐQT. Sẽ không có gì đáng nói nếu các giao dịch của nhóm này tuân theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, một nguồn tin xác tín của VietTimes cho biết, mới đây, cơ quan thanh tra giám sát NHNN đã “tuýt còi” một ngân hàng thương mại vì không thực hiện báo cáo giao dịch đáng ngờ đối với các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ của CCI, Con Cưng và LTJSC.
Không chỉ riêng Con Cưng, nhóm Bến Thành Holdings của nữ Chủ tịch 9x đầy tài năng Đào Ngọc Bảo Phương cũng bị cơ quan thanh tra giám sát của NHNN đưa vào tầm ngắm./.