Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Sài Gòn (SCB; mã chứng khoán: SCB) đã có Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022 đã soát xét.
Theo đó, đến giữa năm, tổng tài sản của SCB đạt mức 761.177 tỷ đồng, tăng 7,7% so với thời điểm đầu năm. Tiền gửi của khách hàng tăng lên mức 594.630 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng của SCB tăng 7,6 % so với sáu tháng trước lên mức 389.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng vẫn ở mức khá cao khi SCB phải để ra một khoản trị giá 5.517 tỷ đồng.
Về chất lượng cho vay, tổng nợ xấu của SCB đến cuối quý 2 giảm 4,1 % xuống mức 3.806 tỷ đồng. Trong khi nợ nhóm 3 và 4 đều có chiều hướng giảm, ở chiều ngược lại, nợ nhóm 5 tăng 12,4 % so với hồi đầu năm lên mức hơn 3.000 tỷ đồng. Trong tổng nợ xấu, nợ nhóm 5 chiếm tới hơn 78%.
Tỷ lệ nợ xấu của SCB hiện tại còn gần 1%, giảm nhẹ sau 6 tháng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng dù giảm sau khi hoàn nhập dự phòng trong quý II nhưng vẫn ở mức 145%.
Bên cạnh đó, cuối quý 2, SCB có khoản đầu tư chứng khoán lên tới 97.755 tỷ đồng, để dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư này, SCB đã trích lập hơn 14.875 tỷ đồng.
Luỹ kế nửa năm, SCB có thu nhập từ hoạt động dịch vụ giảm 13,2 % và mảng mua bán chứng khoán đầu tư giảm tới 84,4 % xuống còn hơn 235 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Tính riêng trong quý 2, SCB lỗ thuần hơn 346 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, trong quý vừa qua, ngân hàng này không trích lập dự phòng mà còn hoàn nhập hơn 447 tỷ đồng. Nhờ đó, SCB vẫn có lãi trước thuế 101 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của nhà băng này giảm 40%. Tuy nhiên, nhờ vào kết quả kinh doanh của quý trước, tổng lợi nhuận trước thuế sau 6 tháng của SCB vẫn tăng trưởng, đạt mức 717 tỷ đồng.