Vượt xa mọi dự báo trước đó từ các chuyên gia và quỹ đầu tư lớn nhỏ, giá vàng thế giới đã chính thức chinh phục đỉnh lịch sử 1.923 USD/ounce khi mà tháng 7 còn chưa qua đi. Điều cách đây 2 tháng cả những chuyên gia, nhà đầu tư lạc quan nhất cũng không dự báo được.
Trong một báo cáo công bố gần đây, Capital Economics đã nâng giá mục tiêu của kim loại quý đến cuối năm nay lên 1.900 USD/ounce từ mức 1.600 USD trước đó, tương đương mức tăng gần 19%. Như vậy, kim loại quý đã vượt dự báo của quỹ đầu tư này sớm tới 5 tháng.
Tương tự, cuối tháng 6 khi giá vàng đang ở ngưỡng 1.740 USD/ounce, một trong 2 ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới Goldman Sachs điều chỉnh dự báo giá vàng trong 3-6 tháng tiếp theo (khoảng tháng 9-12) từ mức 1.600-1.650 USD lên 1.800-1.900 USD/ounce. Và kim loại quý sẽ mất khoảng 12 tháng (tức đến tháng 6/2021) mới có thể tăng lên mốc 2.000 USD/ounce.
Tuy vậy, chỉ sau gần 2 tháng các chuyên gia tại Goldman Sachs đưa ra dự báo, vàng đã vượt đỉnh lịch sử.
Khoảng 23h ngày 26/7 (giờ Mỹ), vàng giao ngay trên sàn Kitco đã giao dịch vượt mốc 1.940 USD/ounce, sau đó giảm về vùng 1.932,5 USD/ounce hiện tại. Dù chưa xác định giá đóng cửa trong phiên 26/7, vàng thế giới đã chính thức chinh phục đỉnh giá mới trong lịch sử giao dịch.
Diễn biến giá vàng thế giới kể từ khi được ghi nhận số liệu. Nguồn: Tradingview. |
Tại vùng 1.932,5 USD/ounce, vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt tương đương 54,2 triệu đồng/lượng. Dù đã tăng lên đỉnh mọi thời đại nhưng kim loại quý thế giới vẫn thấp hơn nhiều so với vàng trong nước.
Sau khi tăng 1 triệu đồng/lượng phiên sáng nay, vàng trong nước tiếp tục đón đầu mức tăng của thế giới để duy trì khoảng cách giá 2,5 triệu mỗi lượng theo tỷ giá quy đổi.
Cụ thể, đến 11h20 hôm nay (27/7), Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đã nâng giá vàng miếng bán ra tại TP.HCM lên mức 56,7 triệu/lượng, tăng 700.000 đồng so với giá mở cửa buổi sáng, và tăng 1,7 triệu so với cuối tuần trước.
Giá mua vào tại đây cũng được doanh nghiệp tăng tương ứng lên 55,15 triệu đồng.
Vàng miếng SJC bán ra tại Hà Nội đến trưa nay chính thức đạt đỉnh cao mới 56,72 triệu đồng/lượng.
Các doanh nghiệp vàng lớn khác như Tập đoàn DOJI; Công ty Vàng Phú Nhuận; Công ty Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Phú Quý… đều đã nâng giá bán vàng miếng vượt mốc 56 triệu đồng, hiện phổ biến trong khoảng 56,55-56,8 triệu đồng/lượng.
Vàng trong nước vẫn đi trước thế giới 2,5 triệu đồng (số liệu ngày 27/7 ghi nhận lúc 11h20 giờ Việt Nam) |
So với cuối tuần trước, giá vàng bán ra tại các doanh nghiệp này đã tăng gần 2 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia, áp lực chốt lời từ giới đầu tư đã không cản được mức tăng kỷ lục của vàng.
Cùng với việc vàng giao ngay vượt mốc 1.920 USD/ounce, hợp đồng vàng tương lai giao tháng 8 đã tăng lên mức 1.922,7 USD/ounce.
Theo ông Marc Chandler, chiến lược gia trưởng thị trường tại Bannockburn Global Forex, giá vàng có thể dễ dàng đạt 2.000 USD/ounce trước khi đợt tăng này kết thúc.
Thị trường đã chứng kiến đà tăng đáng kể của vàng trong những tháng qua khi nền kinh tế toàn cầu bị đảo lộn vì đại dịch Covid-19. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ gần đây đang “đổ thêm dầu vào lửa” của vàng.
Ông Steven Dunn, chuyên gia tại Aberdeen Standard Investments nói rằng, giá vàng tăng trên 1.900 USD/ounce rất ấn tượng nhưng không bất ngờ.
Sự kết hợp của các yếu tố như dịch bệnh, kinh tế suy thoái, căng thẳng Mỹ - Trung, đồng USD suy yếu, mặt bằng lãi suất thấp… đã đẩy giá vàng vượt đỉnh lịch sử.
“Khi các nhà đầu tư tiếp tục đối mặt với biến động và sự không chắc chắn, sức hấp dẫn của các tài sản trú ẩn an toàn như vàng và bạc sẽ chỉ có xu hướng tăng lên”, ông nói.
Giá vàng thế giới hiện cao hơn 161,2 USD/ounce so với tháng trước, tương đương mức tăng 9,1%. Nếu so với 1 năm trước, kim loại quý đã tăng một mạch 514,4 USD/ounce, tương đương 36,27%, mức tăng kỷ lục trong gần một thập niên qua.
Theo Zing news