Trong Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2019, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đề cập đến khả năng hoạt động liên tục sẽ phụ thuộc sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và việc gia hạn khoản vay từ ngân hàng, nhà cung cấp. Ngoài ra, hãng cũng nêu nhiều lo ngại về tác động của Covid-19 đến hoạt động kinh doanh.
Tổng công ty này cho biết đã gửi công văn kêu gọi Chính phủ đưa ra những giải pháp hỗ trợ. Trong đó, gồm cấp khoản vay thuộc gói tín dụng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19, giảm thuế và các khoản phải nộp ngân sách, hỗ trợ thương thảo với các bên cho vay, chủ nợ, các tổ chức khác nhằm gia hạn khoản vay và giãn nghĩa vụ thanh toán.
Về phía tổng công ty, ban giám đốc chủ động xem xét lại chiến lược kinh doanh, làm việc với các đối tác, ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng nhằm ứng phó với tình hình tài chính hiện tại.
Vietnam Airlines cũng cho biết đang triển khai thoái vốn tại Hãng hàng không Cambodia Angkor Air. Theo báo cáo tài chính, Vietnam Airlines sở hữu 49% tại hãng bay này, tuy nhiên tình hình tài chính không mấy khả quan. Năm 2018, Cambodia Angkor Air ghi nhận doanh thu thuần hơn 94 triệu USD nhưng báo lỗ gần 6,4 triệu USD.
Ngoài ra, hãng đã ký các hợp đồng bán 5 máy bay A321 với tổng giá trị thanh lý hơn 37 triệu USD. Ban lãnh đạo cho biết đang thực hiện bàn giao và dự kiến hoàn thành trước tháng 6.
Theo báo cáo của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, Vietnam Airlines là đơn vị thiệt hại nặng nề nhất bởi Covid-19 trong các doanh nghiệp thuộc ủy ban quản lý. Nếu dịch kéo dài đến quý IV, tổng doanh thu của hãng dự kiến giảm hơn 72.400 tỷ so với kế hoạch năm nay, cùng khoản lỗ gần 20.000 tỷ đồng.
Từ tháng 3, Vietnam Airlines đã buộc đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn. Đến ngày 20/3, dư nợ vay ngắn hạn lên gần 3.600 tỷ đồng trong bối cảnh nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị dừng. Dòng tiền của hãng dự kiến hụt khoảng 15.000 tỷ đồng trong năm nay.
Uỷ ban quản lý vốn đánh giá sẽ có nguy cơ các ngân hàng không tiếp tục cho Vietnam Airlines và các công ty con vay. Do đó, hãng cần Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng và bắt đầu giải ngân từ tháng 4 để đảm bảo khả năng thanh toán năm 2020.
Trong thư gửi nhân viên mới đây, CEO Dương Trí Thành của Vietnam Airlines cũng dự kiến năm nay hụt thu khoảng 50.000 tỷ đồng, tương đương giảm 65% so với kế hoạch. Hãng gần như dừng toàn bộ hoạt động khi 100/106 máy bay không khai thác. Đến cuối tháng 3, 50% nhân viên hãng phải ngừng việc, toàn bộ phải giảm lương, cán bộ từ cấp ban trở lên tự nguyện không nhận lương.
Theo VN EXPRESS