Để lột tả chân thực bức tranh kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) Online mang thương hiệu Đại tràng Nhiệt Ông Lạc và Đại tràng Hàn Ông Lạc, PV Chất lượng Việt Nam Online (VietQ) đã thâm nhập vào đại bản doanh của đơn vị phân phối Công ty CPTM Dược phẩm USAN Việt Nam (ngõ 19, đường Chùa Võ, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội). Qua đó, tận thấy những mảng sáng, tối về hoạt động kinh doanh TPCN Online lâu nay của công ty này nhưng vẫn được che khuất bởi sự hào nhoáng của quảng cáo mà người tiêu dùng không hề biết.
“Lò” đào tạo “bác sĩ online”?
Như đã thông tin trong bài trước, trong vai người có nhu cầu xin việc làm, PV đã ứng tuyển thành công vào làm vị trí Telesale (nhân viên tư vấn - PV) của Usan Việt Nam (địa chỉ ở P. Mỹ Đình) cùng nhiều lời hứa hẹn về doanh số, cơ hội thăng tiến. Công việc hôm đầu không khó khi chỉ ngồi nghe mọi người xung quanh tư vấn, bắt bệnh cho khách hàng qua điện thoại, kèm theo việc PV được phát một bộ tài liệu khá chi tiết về các loại bệnh lý đại tràng để học.
Tiếp đến PV được nhận một kịch bản tư vấn cho khách hàng đã soạn sẵn các tình huống giả định. Cầm kịch bản trên tay, PV không khỏi ngạc nhiên khi bản thảo được soạn khá chi tiết bao gồm các mục: Chào hỏi, bàn bệnh, chuẩn đoán bệnh, gia cố niềm tin và chốt. Từng dòng trên kịch bản được soạn rõ ràng, rành mạch nhằm đào tạo những người chưa biết gì sẽ trở nên sành hơn khi tư vấn cho bệnh nhân qua điện thoại.
Trích đoạn có trong kịch bản tại “lò” đào tạo của công ty này: “Chào anh! Tôi gọi cho anh từ nhà thuốc gia truyền Ông Lạc chữa bệnh đại tràng… Tôi có nhận được thông tin anh để lại mong muốn hỗ trợ tư vấn và điều trị về bệnh lý đạ tràng anh đang gặp phải có đúng không? Hiện tại tôi sẽ dành 10 -15 phút hỗ trợ về bệnh tình cho anh…".
Sau màn dạo đầu thì đoạn kịch bản tiếp theo đi vào trọng tâm hơn khi thăm khám, hỏi thăm tình trạng bệnh lý của người bệnh. Thậm chí, kịch bản này còn hướng dẫn chi tiết việc một số trường hợp bệnh nhân nói đi khám bác sỹ kết luận viêm loét đại tràng, polyp hoặc vừa mổ ung thư đại tràng thì vẫn phải hướng bệnh nhân đến việc kể triệu chứng hiện tại…”.
Sau rất nhiều câu hỏi, khai thác tình trạng bệnh lý cái đích kịch bản hướng đến là mọi người bệnh đều được kết luận bị đại tràng co thắt, hội chứng ruột kích thích…
Với màn mào đầu như vậy, người bệnh sẽ được dẫn dắt từ cao trào này tới cao trào khác, không ngoài mục đích tin tưởng những nhân viên bán hàng đang "hóa thân" thành bác sỹ bắt bệnh cho mình… Kịch bản cố định nhưng chỉ bằng ít phút ngắn ngủi qua điện thoại các “bác sỹ” online có thể biến tướng, thỏa sức khai thác thông tin, bàn bệnh, dọa bệnh nhiều khách hàng qua điện thoại, thậm chí không ngại ngùng “ép” mua sản phẩm.
Sấp ngửa vì lợi nhuận
Sau một thời gian ngắn tiếp xúc, PV nhận thấy những “bác sỹ” online tuổi đời còn rất trẻ, xuất thân từ nhiều ngành, nghề lĩnh vực khác nhau mà không phải nghề y, dược. Đặc biệt, họ đều tư vấn theo một mô típ giống nhau, chỉ cần học thuộc kịch bản sẽ “bắt bệnh” cho khách hàng theo cách dễ nhất. Bước tiếp theo “bác sĩ online” sẽ “bàn bệnh” thậm chí “dọa bệnh” rồi “lên đơn” theo lộ trình hoặc theo lọ để trị bệnh.
Khi nhận thấy bệnh nhân đã nhẹ dạ cả tin và chi tiền mua sản phẩm, nhân viên chỉ cần diễn nốt màn xin thông tin họ tên, địa chỉ để lên hồ sơ bệnh án gửi xuống phòng bào chế để bào chế thuốc theo đúng tình trạng bệnh rồi gửi về.
Cứ như vậy, mọi thứ đều diễn ra theo quy trình khép kín, còn người mua thì không hề biết rằng chân tướng thực sự của các “bác sỹ” online như thế nào và không hề có bài thuốc, lên đơn nào cả, đơn thuần chỉ là một dạng đã bào chế sẵn.
Trong vòng xoáy chạy đua vì lợi nhuận, những nhân viên dù không có chuyên môn y, dược nhưng lại trắng trợn kê đơn, bắt bệnh như bác sĩ thực thụ, sẵn sàng lừa gạt người bệnh không kể giàu nghèo, già trẻ… rằng nhóm TPCN Đại tràng ông Lạc là thuốc chữa bách bệnh.