Những lời quảng cáo sai bản chất của sản phẩm dạ dày An Bình |
Trước đó, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đăng tải loạt bài viết phản ánh về sự dối trá trong kinh doanh sản phẩm dạ dày An Bình. Theo đó, sản phẩm dạ dày An Bình được cấp phép là TPBVSK nhưng lại quảng cáo trên các website có công dụng như thuốc chữa bệnh dạ dày. Đồng thời, tổ chức kinh doanh sản phẩm dạ dày An Bình đã đào tạo ra những nhân viên mạo danh lương y Nguyễn Hoàng để “hô biến” TPBVSK thành thuốc chữa bệnh lừa dối người tiêu dùng.
Tổ chức kinh doanh này rất tinh vi khi đào tạo được đội ngũ nhân viên “xuất sắc”, từ khâu tư vấn, kết nối xử lý tình huống đều ăn khớp, nhịp nhàng khiến người tiêu dùng khó có thể nghi ngờ. Tuy nhiên, sự vào cuộc của PV VietQ đã bóc trần chân tướng những lương y giả mạo. Thậm chí, chính bác sỹ Nguyễn Hoàng cũng khẳng định với PV không kinh doanh sản phẩm dạ dày An Bình, tất cả những ai xưng danh ông đều là giả mạo.
Tiếp nối bài viết “Mạo danh lương y 'hô biến' TPBVSK dạ dày An Bình thành thuốc chữa bệnh”, PV đã liên hệ với những lương y giả mạo này để trao đổi. Tuy nhiên, thật bất ngờ, họ vòng vo, “đá bóng” hết người này tới người khác để bằng mọi cách thuyết phục và khẳng định chính thông tin PV cung cấp mới là tin giả. Thật nực cười, những lương y mạo danh vẫn khăng khăng khẳng định họ mới là lương y Nguyễn Hoàng thực sự!
Theo đó, trong cuộc điện thoại với những lương y giả mạo, PV khẳng định lương y Nguyễn Hoàng không kinh doanh dạ dày An Bình, chỉ bốc thuốc và kê đơn tại phòng khám ở Hà Nội. Tuy nhiên, ở đầu dây bên kia, người đàn ông tên Hùng đang “chăm sóc” PV khẳng định, trước kia thì lương y Nguyễn Hoàng chưa hỗ trợ tư vấn qua điện thoại, mới gần đây do dịch bệnh nên chuyển sang hình thức online.
Tiếp tục, PV khẳng định lại việc lương y Nguyễn Hoàng chỉ có phòng khám ở Hà Nội, nhân viên tên Hùng cũng khăng khăng lương y Nguyễn Hoàng đang ở trụ sở tại Yên Bái. Hiện không tiếp nhận bệnh nhân ở Hà Nội, ở đây chỉ là nơi kiểm định chất lượng và giá cả? Bệnh nhân muốn cũng không vào được, chỉ có thể thăm quan bên ngoài.
Đồng thời, để xoa dịu sự cương quyết của PV, nhân viên Hùng cho biết, khi dịch Covid – 19 bùng phát mới tư vấn qua điện thoại, còn PV không ngại đường xa thì vẫn hỗ trợ trực tiếp ở Yên Bái. Rồi sau đó lại quay ngoắt, có vẻ nâng cao vấn đề cho biết, để lương y Nguyễn Hoàng cầm điện thoại tư vấn cả ngày rất khó, chỉ những người mong muốn mới chuyển máy đến bác Hoàng để được tư vấn trực tiếp, bình thường sẽ rất khó gặp.
Bác Hoàng ở trên Yên Bái hay Hà Nội? – PV hỏi. “Ở trên Yên Bái nhé”, nhân viên Hùng trả lời...
Trước những câu hỏi dồn dập của PV, nhân viên tư vấn tên Hùng liên tiếp đánh trống lảng sang vấn đề khác, hoặc lúng túng trả lời, rồi khi đã đuối lý thì lặng lẽ viện lý do cúp máy. Sau đó, một nhân viên khác gọi lại cho PV giới thiệu là nhân viên bưu điện, đề nghị ra lấy 2 hộp dạ dày An Bình PV đã đặt.
PV tiếp tục nêu thắc mắc tương tự về việc lương y Hoàng không bán online, chỉ bắt mạch kê đơn tại phòng khám ở Hà Nội, nhân viên này tiếp tục “bổn cũ soạn lại” cố gắng thuyết phục PV khẳng định trụ sở công tác ở Yên Bái, còn Hà Nội chỉ là nơi kiểm định chất lượng và giá cả. Rồi sau đó cũng lặng lẽ viện ra một lý do để cúp máy.
Sau đó, PV từ chối nhận sản phẩm dạ dày An Bình thì nhận được lời nhắn phải thanh toán tiền bưu điện vận chuyển sản phẩm từ những lương y.
Đúng là chỉ người trong cuộc, trực tiếp kiểm chứng mới thấy hết bản chất của những người kinh doanh sản phẩm dạ dày An Bình. Dù sự thực không thể chối cãi nhưng họ vẫn bất chấp, bằng mọi cách lôi kéo, dụ dẫn người tiêu dùng tin vào những điều dối trá.