Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

FE Credit kinh doanh ra sao trước thềm IPO?

TDVN 09:49 18/03/2020

Vài năm gần đây, lợi nhuận sau thuế của FE Credit có dấu hiệu chững lại, tỷ lệ nợ xấu vẫn duy trì quanh mức 6% sau nhiều năm liền được ví như “con gà đẻ trứng vàng” cho VP Bank.

FE Credit chiếm từ 22 - 23% trong tỷ trọng tín dụng và đóng góp lớn trong kết quả kinh doanh hợp nhất của VPBank. Ảnh: Lê Tiên

Hiệu quả kinh doanh đi xuống

Thông tin về việc FE Credit có khả năng thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong năm 2020 đã được giới đầu tư xôn xao kể từ cuối năm ngoái. Điều này càng có cơ sở khi vào cuối tháng 2/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có Văn bản số 762/NHNN-TTGSNH về việc chấp thuận chuyển đổi FE Credit (công ty con của VPBank) từ mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty cổ phần. Quy mô vốn điều lệ của FE Credit cũng được điều chỉnh tăng lên mức 7.333 tỷ đồng.

Việc chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần là một bước đi cần thiết để FE Credit có thể đẩy nhanh thực hiện IPO.

FE Credit chiếm từ 22 - 23% trong tỷ trọng tín dụng và đóng góp lớn trong kết quả kinh doanh hợp nhất của VPBank. Theo số liệu từ báo cáo kiểm toán của Công ty, lãi sau thuế năm 2019 đạt 3.590 tỷ đồng, cao hơn năm 2017 và 2018 lần lượt là 6,9% và 8,9%. Điều đó cho thấy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Công ty (phụ trách mảng tài chính tiêu dùng của VPBank) có xu hướng chững lại so với giai đoạn 2015 - 2017 (tốc độ tăng trưởng bình quân 108%).

Mặt khác, trong giai đoạn 2017 - 2019, quy mô vốn chủ sở hữu của FE Credit tăng từ 8.435,8 tỷ đồng lên mức hơn 12.519,6 tỷ đồng. Điều này khiến chỉ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của FE Credit năm 2019 giảm xuống chỉ còn 28,68%, thấp hơn so với con số 32,67% của năm 2018 và 49,71% của năm 2017.

Nợ xấu vẫn chưa hạ nhiệt

Bên cạnh hiệu quả kinh doanh giảm sút, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit cũng có nhiều diễn biến đáng chú ý. Tỷ lệ này tăng từ 5% trong năm 2017 lên 6% trong năm 2018, sau đó bất ngờ giảm mạnh xuống mức 5,35% vào cuối tháng 6/2019, nhưng bật tăng trở lại mức 6% vào cuối năm 2019.

Được biết, dư nợ cho vay của FE Credit vào cuối năm 2019 đạt 60.594 tỷ đồng. Như vậy, quy mô nợ xấu của doanh nghiệp này vào cuối năm ngoái tạm tính lên tới 3.636 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu cao của FE Credit cũng góp phần đẩy chỉ số này của VPBank lên mức 2,95%, dù vẫn dưới mức 3% theo quy định của NHNN, nhưng cũng đủ khiến VPBank lọt top những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao trong hệ thống.

Tính đến cuối năm 2019, quy mô nguồn vốn của FE Credit đạt 70.646 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ phát hành giấy tờ có giá chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43%, tiếp đến là nguồn vốn vay nợ nước ngoài (23%), vốn chủ sở hữu và quỹ (18%) và vay nợ trong nước (8%). Nguồn vốn từ tiền gửi có kỳ hạn và nợ khác có tỷ trọng lần lượt là 4% và 5%.

FE Credit rục rịch IPO trong bối cảnh thị trường vay tiêu dùng tại Việt Nam đang bước vào thời kỳ cạnh tranh khốc liệt khi nhiều nhà băng đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo Báo Đấu thầu

Link gốc : https://baodauthau.vn/doanh-nghiep/fe-credit-kinh-doanh-ra-sao-truoc-them-ipo-124088.html

Bạn đang đọc bài viết FE Credit kinh doanh ra sao trước thềm IPO? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp