Trúng đấu giá nhưng chưa có tiền nộp
375 lô đất vàng tại mặt bằng 3241 với tổng diện tích 58ha tại trung tâm TP. Thanh Hóa được kỳ vọng sẽ trở thành một khu dân cư, dịch vụ sầm uất... Thế nhưng, sau 2 lần gặp trắc trở, mãi đến lần tổ chức đấu giá thứ 3, mặt bằng này mới tìm được chủ nhân chính thức, công nhận Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng ADI và Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa là tổ chức trúng đấu giá.
Ngày 15/10/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4222/QĐ-UBND công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất (đợt 1) dự án: Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hóa, công nhận Liên danh ADI - Đông Sơn Thanh Hóa là tổ chức trúng đấu giá.
Tưởng chừng mọi "ầm ĩ" từ thương vụ đấu giá "vô tiền khoáng hậu" sẽ khép lại từ đây, để đơn vị trúng đấu giá tập trung đảm bảo cho dự án hoàn thành đúng thời gian, thế nhưng đích đến của nó không trải đầy hoa hồng như người ta vẫn nghĩ. Nguyên nhân được xác định là do sự khó khăn về mặt tài chính của Liên danh trúng đấu giá trong việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan Nhà nước (tiền sử dụng đất, tiền thuế đất phi nông nghiệp).
Lực lượng chức năng phải huy động hàng chục cảnh sát bảo vệ tại cuộc đấu giá cách đây không lâu. |
Cụ thể, ngày 25/10/2019, Chi cục Thuế khu vực TP. Thanh Hóa - Đông Sơn đã có văn bản số 1041/CCT-TTTBTK về việc nộp tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp gửi Liên danh ADI - Đông Sơn. Công văn nêu rõ: “Đến nay đã quá hạn nộp 50% tiền sử dụng đất. Đơn vị có trách nhiệm tự xác định số tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế để nộp vào ngân sách nhà nước. Chi cục Thuế khu vực TP. Thanh Hóa - Đông Sơn đề nghị Liên danh ADI - Đông Sơn nộp ngay tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh hóa vào ngân sách Nhà nước”.
Thế nhưng, theo ông Hoàng Văn Thắng, Phó Chi cục Thuế khu vực TP. Thanh Hóa - Đông Sơn, đến thời điểm này, Liên danh đơn vị trúng đấu giá mới nộp được 144 tỷ đồng trong số tiền phải nộp 1.215 tỷ đồng, hoàn thành 11,8% nghĩa vụ tài chính (chưa bao gồm tiền phạt chậm nộp và khoản thuế đất phi nông nghiệp mà đơn vị trúng đấu giá phải có trách nhiệm hoàn thành).
Đơn vị trúng đấu giá khốn khó về tài chính, nảy sinh làm liều?
Theo quy định của hồ sơ năng lực đấu giá, đơn vị tham gia đấu giá sẽ phải đảm bảo 20% vốn của chủ sở hữu và 80% vốn huy động. Như vậy theo tính toán, doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ bỏ ra khoảng 1,8 nghìn tỷ đồng (bao gồm tiền sử dụng đất hơn 1,2 nghìn tỷ đồng và đầu tư xây thô khoảng 600 tỷ đồng) để đảm bảo điều kiện thực hiện các hoạt động kinh doanh sau khi trúng đấu giá.
Tuy nhiên, sự khó khăn về mặt tài chính của doanh nghiệp trúng đấu giá được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến ngân sách Nhà nước đối mặt với nguy cơ thất thu. Có lẽ vì thế mà cách đây không lâu, Công ty Đông Sơn Thanh Hóa đã “hợp đồng tác chiến” với Midland (sàn giao dịch bất động sản) để phát triển dự án, nhằm mục đích huy động vốn cho dự án. Tuy nhiên, thương vụ này mau chóng đổ bể do pháp lý dự án chưa hoàn chỉnh nên bị cơ quan chức năng “nhắc nhở”.
Công ty Cổ phần Đông Sơn nằm trong khuôn viên của Công ty Cổ phần Xe khách Thanh Hóa. |
Ngoài khoản tiền sử dụng đất phải nộp là hơn 1,2 nghìn tỷ đồng khi trúng đấu giá, doanh nghiệp còn phải nộp khoản tiền không nhỏ khác là tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với phần diện tích đã trúng đấu giá theo quy định số 4222/QĐ-UBND ngày 15/10/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đức Quang - Giám đốc Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa (thuộc Liên danh ADI - Đông Sơn Thanh Hóa) cho hay: "Sau khi trúng đấu giá, nghĩa vụ tài chính mà chúng tôi phải hoàn thành đối với cơ quan Nhà nước là tương đối lớn, mà doanh nghiệp không huy động được vốn do chưa đủ cơ sở pháp lý.
Ông Hoàng Đức Quang (mặc áo vest nâu) – Giám đốc Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa. |
Do đó, chúng tôi mới có đề xuất cơ quan Nhà nước (nhưng không thể hiện bằng văn bản - PV) giãn tiến độ thời gian nộp tiền, để doanh nghiệp thu xếp nguồn vốn, nộp tiền sử dụng đất". Đồng thời, ông Quang khẳng định, đơn vị trúng đấu giá không thể "bỏ cuộc" vì "khoản tiền bỏ ra để tham gia thương vụ đấu giá nghìn tỷ này đã quá lớn".
Riêng về khoản thuế đất phi nông nghiệp, Giám đốc Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa cho biết, hiện doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thành khoản tiền này là do chưa được Nhà nước giao đất.
Ông Hoàng Đức Quang nói thêm, cuối quý I/2020, doanh nghiệp sẽ hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngân hàng để có nguồn tiền giải ngân, bởi "nếu cứ ngồi uống nước chè thế này thì chết".
Trước đó ngày 24/10/2019, Chi cục Thuế khu vực TP. Thanh Hóa - Đông Sơn cũng đã có thông báo nêu rõ, trong vòng 30 ngày, tổ chức trúng đấu giá phải thanh toán 50% số tiền trúng đấu giá. Trong vòng 60 ngày tiếp theo tổ chức trúng đấu giá phải hoàn thành 100% nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, tiền sử dụng đất với cơ quan Nhà nước.
Một chuyên gia pháp lý trong việc bán đấu giá tài sản cho hay, trong trường hợp đơn vị trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính bao gồm cả thuế, thì cơ quan thuế sẽ phạt tiền nộp chậm theo quy định của Luật Quản lý thuế. Nếu quá 120 ngày tổ chức cá nhân không nộp đủ 100% số tiền trúng đấu giá và tiền phạt nộp chậm thì đương nhiên sẽ bị hủy kết quả trúng đấu giá.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế - PGS. TS. Ngô Trí Long cũng cho rằng, trong trường hợp đơn vị trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định thì có thể xem xét hủy kết quả trúng đấu giá.
“Về nguyên tắc, đơn vị trúng đấu giá phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính, thuế. Đây vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ. Nếu không nộp đúng nộp đủ là vi phạm nguyên tắc và sẽ bị hủy kết quả đấu giá. Nếu không cẩn thận có thể bị xem xét về mặt hình sự chứ không phải đơn thuần chỉ là xử lý hành chính.
Trong trường hợp đơn vị trúng đấu giá chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính do nguyên nhân khách quan, cơ quan thuế có thể xem xét để giãn thời gian nộp thuế”, PGS. TS. Ngô Trí Long nói rõ thêm.
Trong năm 2018, UBND TP. Thanh Hóa đã 2 lần tổ chức đấu giá cấp quyền sử dụng đất mặt bằng 3241. Thế nhưng, cả 2 lần đó đều bị “thổi phạt việt vị” vì nhiều lý do khác nhau. Lần đấu giá đầu tiên vào ngày 22/1/2018 do Công ty Đấu giá Tài sản Năm Châu tổ chức có nhiều dấu hiệu bất thường khi chỉ có 2 hồ sơ tham gia đấu giá. Công ty Cổ phần Nakama Việt Nam sau đó trúng thầu với số tiền hơn 437 tỷ đồng. Kết quả đấu giá trên khiến người dân và dư luận hoài nghi bởi tại khu vực này, giá đất thời điểm đó dao động từ 20 - 28 triệu đồng/m2. Ngày 14/3/2018, UBND TP. Thanh Hóa đã ra quyết định hủy kết quả đợt đấu giá này. Đến tháng 7/2018, việc đấu giá mặt bằng 3241 đã được tái khởi động và tăng giá khởi điểm từ 7,5 triệu đồng/m2 lên 9 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trong quá trình bán hồ sơ, Công ty Đấu giá Hợp danh Hoàng Nguyên liên tục thay đổi thời gian đấu giá và có 15/18 hồ sơ đấu giá hợp lệ bất ngờ bị loại ngay trước thời điểm đấu giá khoảng vài giờ, chỉ còn 3 hồ sơ lọt vào vòng mở thầu tài chính. Phiên đấu giá ngày 9/10/2018 vì thế cũng không diễn ra như kế hoạch do các cá nhân, tổ chức bị loại kéo tới UBND tỉnh Thanh Hóa để yêu cầu lãnh đạo TP. Thanh Hóa có câu trả lời thỏa đáng. Cả 2 lần đấu giá trên đều dính phải những thông tin lùm xùm quanh việc đấu giá thiếu minh bạch tại mặt bằng 3241, Sở Tư pháp Thanh Hóa đều vào cuộc và phát hiện đơn vị được giao đấu giá vi phạm Luật Đấu giá tài sản và yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa hủy hợp đồng dịch vụ đấu giá với các đơn vị trên. “Quá tam ba bận”, phải đến phiên đấu giá thứ 3 ngày 26/9/2019 thì 375 lô đất tại mặt bằng này mới tìm được chủ mới. Đó là Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng ADI - Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa trúng đấu giá với số tiền 1.215 tỷ đồng. |
Theo Reatimes