Lỗ lớn vì Bamboo Airways
Theo đó, Doanh thu của FLC đạt hơn 623 tỷ đồng, giảm tới 63% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa, kinh doanh bất động sản, cung cấp dịch vụ đều giảm gần một nửa so với cùng kỳ 2021. Giá vốn bán hàng tương ứng giảm mạnh từ mức hơn 1.800 tỷ đồng xuống còn 472 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính giảm mạnh hơn 9 lần, từ mức hơn 600 tỷ đồng xuống còn 65,5 tỷ đồng. Trong kỳ, FLC phát sinh khoản lỗ đột biến hơn 317 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết. Khoản lỗ này cùng kỳ năm 2021 chỉ có hơn 5 tỷ đồng.
Chi phí tài chính và chi phí bán hàng của FLC đã giảm so với cùng kỳ song chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh lên 295 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của FLC âm 637 tỷ đồng.
Kết quả chung, FLC lỗ sau thuế 640 tỷ đồng, trong khi quý II/2021 vẫn có lãi 21 tỷ đồng. FLC cho biết doanh thu bán hàng và doanh thu tài chính giảm mạnh do Công ty đang trong quá trình cơ cấu lại các mảng kinh doanh và thay đổi nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Trong khi chi phí bán hàng, quản lý tăng do hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng ở mùa cao điểm.
Một điểm đáng chú ý, hãng hàng không Bamboo Airways chính là một trong những nguyên nhân khiến FLC lỗ đậm. Theo giải trình của FLC do Tổng Giám đốc Bùi Hải Huyền ký, FLC bị ảnh hưởng tăng lỗ 311,6 tỷ đồng từ mảng đầu tư hàng không, dẫn đến lợi nhuận sau thuế đảo chiều trong quý II/2022.
Báo cáo tài chính tiết lộ FLC kiểm soát trực tiếp 21,7% vốn điều lệ Bamboo Airways, tương đương đang đầu tư khoảng 4.015 tỷ đồng. Khoản lỗ trong công ty này lên tới gần 955 tỷ đồng, tăng mạnh so với thời điểm đầu năm.
Ngoài ra, FLC cũng ghi nhận khoản lỗ hơn 134 tỷ đồng từ khoản đầu tư chứng khoán. Danh mục chứng khoán kinh doanh cho thấy FLC đang nắm giữ 3 mã đều thuộc hệ sinh thái tập đoàn là FLC, HAI và AMD. Trong đó, khoản đầu tư vào HAI lỗ lớn nhất, giá trị hợp lý từ đầu năm tại mã này là 170 tỷ đồng, song giá trị hợp lý chỉ còn gần 40 tỷ đồng.
Hồi tháng 1, doanh nghiệp này từng tiết lộ mục tiêu doanh thu là gần 27.000 tỷ đồng, với lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ đồng. Nếu không có khoản kinh doanh đột biến trong 2 quý cuối năm, FLC khó có khả năng thực hiện kế hoạch này. Hiện tập đoàn này vẫn chưa công bố thời gian tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 để thông qua kế hoạch kinh doanh.
Khoản lỗ quý II vừa rồi nâng FLC lỗ sau thuế nửa đầu năm của FLC lên 1.105 tỷ đồng.
Vay thành viên HĐQT 621 tỷ đồng
Kết thúc quý II/2022, FLC đạt quy mô tổng tài sản 36.299 tỷ đồng, tăng hơn 2.512 tỷ đồng, tương ứng gần 7,5% so với hồi đầu năm. Nợ phải trả tăng hơn 3.500 tỷ so với đầu năm lên 27.569 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong các khoản nợ vay ngắn hạn của FLC, bên cạnh các khoản nợ tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng Agribank, trong năm FLC phát sinh thêm khoản vay nợ ngắn hạn 621 tỷ đồng từ ông Lê Thái Sâm. Ông Sâm là một trong 3 thành viên HĐQT mới được FLC bầu tại ĐHĐCĐ bất thường lần 2 hôm 2/7, bên cạnh ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên.
Hiện Chủ tịch FLC là ông Lê Bá Nguyên - anh vợ của ông Trịnh Văn Quyết. Bên cạnh đó, bà Bùi Hải Huyền là Phó Chủ tịch thường trực.
Ông Đặng Tất Thắng hôm 2/7 được bầu làm Phó Chủ tịch FLC. Tuy nhiên, ông Thắng đã từ nhiệm mọi vị trí thuộc hệ sinh thái FLC. Cụ thể, hôm 29/7 vừa rồi, Bamboo Airways đã thông báo về việc ông Đặng Tất Thắng thôi giữ vị trí Tổng Giám đốc từ ngày 27/7. Công ty bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng Giám đốc thường trực giữ vị trí trên. Ông Thắng cũng đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch hãng hàng không và đơn xin rời ghế Phó Chủ tịch HĐQT FLC.
Từ trước đó, hôm 13/7, bà Vũ Đặng Hải Yến - người được uỷ quyền điều hành Tập đoàn thay ông Trịnh Văn Quyết sau khi ông bị tạm giam để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán - cũng đã nộp đơn đề nghị được thôi giữ chức Phó Tổng Giám đốc vì lý do cá nhân.
FLC mới đây đã tìm được công ty kiểm toán. Cụ thể, Công ty Kiểm toán An Việt sẽ là đơn vị kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 của Tập đoàn FLC.
Việc chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán khiến cổ phiếu FLC bị phạt và đưa vào diện hạn chế giao dịch, chỉ được mua bán vào buổi chiều từ ngày 1/6. Việc doanh nghiệp này tìm được đơn vị kiểm toán là một trong những điều kiện để cổ phiếu có thể được giao dịch cả ngày trở lại.
Mã FLC kết phiên giao dịch ngày 30/7 đạt 5.430 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm thiết lập đỉnh hồi tháng 1/2022, mã này đã giảm 77%.