Nợ nghìn tỷ, hàng tồn kho “phình to”
Dữ liệu tài chính nửa năm 2022 cho thấy, hết quý 2, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (Văn Phú Invest, mã chứng khoán: VPI) có tổng tài sản đạt mức 7.691 tỷ đồng, tăng 10,8% so với hồi đầu năm.
Về chất lượng tài sản, Văn Phú Invest có các khoản phải thu ngắn hạn đạt mức 972 tỷ đồng, tăng 44,4 % so với nửa năm trước đó. Ở cùng chiều, giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp này cũng tăng mạnh từ mức 786 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.424 tỷ đồng vào thời điểm ngày giữa năm.
Nguyên nhân hàng tồn kho của Văn Phú Invest “phình to” được xác định do đọng tiền ở các dự án xây dựng dở dang. Cụ thể: ở dự án Phân khu số 2, khô đô thị phía nam thành phố Bắc Giang và một số dự án khác.
Bên cạnh đó, còn do số dư thành phẩm của dự án The Terra An hưng thuộc khu đô thị mới An Hưng, phường La Khê và Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Đến thời điểm ngày 30.6.2022, Văn Phú Invest có khoản nợ vay tài chính 2.558 tỷ đồng, tăng gần 1.400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó chủ yếu là các khoản vay dài hạn.
Để vay ngân hàng, Văn Phú Invest của ông Tô Như Toàn đã thế chấp một số tài sản gồm: tài sản gắn liền với đất tại Khu dịch vụ thương mại tầng 5-CT9, Khu đô thị mới Văn Phú, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội thuộc sở hữu của bên thứ ba; tài sản gắn liền với đất tại Sàn thương mại tầng 1, toà nhà Home City, tổ 51, phố Trung Kính, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội; Quyền sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu phổ thông của Công ty thuộc sở hữu của bên thứ 3.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho các khoản vay dài hạn, Văn Phú Invest dùng nhiều quyền tài sản, lợi ích phát sinh tại các dự án như: Phân Khu đô thị số 2 (Bắc Giang); Khi đô thị mới Cồn Khương (Cần Thơ); Dự Án Granduer Place Giảng Võ (Hà Nội); Khu dịch vụ căn hộ khách sạn Hồ Tây (Hà Nội); quyền sở hữu hơn 6 triệu cổ phiếu của Công ty được nắm giữ bởi bên thứ ba.
Đáng chú ý, hết nửa năm, Văn Phú đang có khoản nợ trái phiếu 685 tỷ đồng được đảm bảo bằng cổ phiếu phổ thông của Công ty; tài sản của Công ty đã và sẽ sở hữu tại dự án The Terra An Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội).
Ngoài ra, Văn Phú còn phát hành lô trái phiếu chuyển đổi với mệnh giá 1 triệu VND/trái phiếu cho Công ty VIAC (No.1) Limited Parthership. Tính đến thời điểm ngày 30.6, ở lô trái phiếu này, Văn Phú còn nợ gốc 615 tỷ đồng.
Lợi nhuận công ty mẹ giảm, dòng tiền kinh doanh âm
Về tình hình kinh doanh của Văn Phú Invest, tính đến hết quý 2, doanh thu thuần đạt mức 794 tỷ đồng, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, sau khi trừ đi vốn bỏ ra và chi phí dịch vụ, bán hàng, quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận thuần chỉ còn mức 112 tỷ đồng, giảm 48,9 % so với cùng kỳ năm 2021.
Kết quả kinh doanh ghi nhận, hết nửa năm, doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế ở mức 84 tỷ đồng, giảm tới 63,2 % so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ở Báo cáo tài chính hợp nhất, Văn Phú Invest bất ngờ báo lãi sau thuế 276 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Văn Phú Invest cũng đang đối diện với tình trạng dòng tiền âm hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh của Văn Phú Invest âm tới hơn 1.200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước dương 134 tỷ đồng. Tình trạng dòng tiền kinh doanh âm nếu để kéo dài sẽ bào mòn lợi nhuận và đe doạ đến khả năng duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
Dòng tiền đầu tư của Văn Phú Invest cũng ghi nhận âm 740 tỷ đồng, nguyên nhân đến từ việc cho vay, mua công cụ nợ và đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Dòng tiền tài chính ghi nhận dương 1.368 tỷ đồng do thu được khoản tiền vay lên tới 1.592 tỷ đồng.