Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Thu phí bảo trì chung cư 2% vẫn còn nhiều tranh cãi

TDVN 11:22 12/06/2020

Tranh cãi về việc thu khoản tiền 2% quỹ bảo trì sẽ không thể đi đến hồi kết, bởi bên nào cũng muốn bảo vệ quyền lợi của mình.

Mới đây, Sở Xây dựng TP HCM có văn bản gửi Bộ Xây dựng báo cáo về tình hình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP HCM năm 2019. Trong đó, sở này kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung đối với nhà chung cư như hiện nay. Đề xuất này hiện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Ngăn chặn chủ đầu tư trục lợi

Theo Sở Xây dựng TP HCM, khi bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu 2% phí bảo trì, Ban Quản trị chung cư sẽ thu của các chủ sở hữu căn hộ trong quá trình quản lý, sử dụng. Số thu sẽ theo tỷ lệ phần trăm do Hội nghị nhà chung cư quyết định. Sở Xây dựng TP HCM cũng kiến nghị, điều chỉnh quy định pháp luật về nội dung cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% theo hướng các bên khởi kiện tại toà.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP HCM cho biết, hiện nay có 70% chung cư trên địa bàn xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn xung quanh việc chủ đầu tư cố tình không bàn giao lại kinh phí bảo trì, hoặc nộp chậm, nộp không đầy đủ… Theo ông Hải, Luật Nhà ở quy định nếu chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì, thì UBND tỉnh, thành phố sẽ cưỡng chế. Tuy nhiên, quy định này hiện nay trên cả nước vẫn chưa thể thực hiện.

“Phí bảo trì đối với chủ sở hữu thường là các chủ đầu tư, trong tài khoản không còn tiền. Nếu còn tiền sẽ dễ dàng cưỡng chế, phong toả tài khoản của chủ đầu tư tại tổ chức tín dụng, sau đó chuyển tiền qua Ban Quản trị. Khi tài khoản không còn tiền sẽ phải xử lý bằng tài sản, nhưng quy trình của cơ quan hành chính để định giá, phát mãi tài sản thế nào vẫn chưa có quy định”, ông Hải cho biết.

Đẩy cái khó cho Ban Quản trị

Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về đề xuất trên của Sở Xây dựng TP HCM, lo ngại tình trạng “đá bóng” trách nhiệm từ chủ đầu tư sang Ban Quản trị. Theo phân tích của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM thì đề xuất này có 2 bất cập.

“Bất cập thứ nhất là Ban Quản trị nhà chung cư rất khó trong chuyện thu khoản tiền rất lớn này. Thứ hai là tại thời điểm đó, nhiều người mua nhà đã mua bán, chuyển nhượng căn nhà đó nhiều lần, thành ra người mua sau cùng rất khó chấp nhận việc mình phải có nghĩa vụ nộp tiền bảo trì chung cư”, ông Châu chỉ rõ.

Các chuyên gia cho rằng, cần phải có những quy định rõ ràng hơn về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhằm đảm bảo quyền lợi của cư dân khi có sự cố xảy ra. TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế đề xuất, nên giao cho 1 đơn vị trung gian quản lý nguồn quỹ này.

“Quản lý quỹ này hoàn toàn có thể giao cho một đơn vị trung gian. Đơn vị này có thể ở nước ngoài, có thể là một quỹ tài chính với đội ngũ quản lý nguồn tiền và có sự giám sát chi tiền, họ có uy tín để bảo vệ số tiền đó và đền bù nếu chi sai mục đích”, ông Hiển gợi ý.

Tranh cãi về việc thu khoản tiền 2% quỹ bảo trì sẽ không thể đi đến hồi kết, bởi bên nào cũng muốn bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, dù giữ hay bỏ thu khoản phí này thì đều hướng tới việc đảm bảo quyền lợi chính đáng của người mua nhà, tránh phát sinh tranh chấp, khiếu nại. Phương án nào cũng có mặt hạn chế, do đó trước mắt cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xử lý của cơ quan quản lý Nhà nước./.

Link gốc : https://vov.vn/kinh-te/dia-oc/thu-phi-bao-tri-chung-cu-2-van-con-nhieu-tranh-cai-1059172.vov

Bạn đang đọc bài viết Thu phí bảo trì chung cư 2% vẫn còn nhiều tranh cãi tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp