Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Panorama Mã Pì Lèng ngang nhiên tồn tại

TDVN 05:01 01/03/2020

Ông Minh cho rằng, nhà hàng Mã Pì Lèng chỉ mở cửa tự do cho khách vào thăm quan, chụp ảnh chứ không kinh doanh.

Xung quanh xôn xao về tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) sau nhiều tháng được lôi ra mổ xẻ các sai phạm xây dựng, nay vẫn hoạt động như chưa có chuyện xảy ra, sáng ngày 29/2, trao đổi với báo Đất Việt, ông Trần Quang Minh - Bí thư huyện ủy Mèo Vạc cho rằng, không có chuyện nhà hàng Mã Pì Lèng kinh doanh trở lại.

"Tôi đã nắm được thông tin nhà hàng Mã Pì Lèng vẫn mở cửa cho khách ra vào tự do. Tuy nhiên, đây là họ cho khách vào thăm quan, chụp ảnh chứ không phải họ mở cửa để kinh doanh. Đây là nhà họ, họ phải ở lại để trông coi nhà cửa, tài sản chứ làm sao có thể đóng cửa được", ông Minh nói.

Theo ông Minh, nhà hàng Mã Pì Lèng đã tạm dừng kinh doanh từ tháng 10/2019 theo yêu cầu của UBND huyện Mèo Vạc.

"Việc họ mở cửa tự do cho khách vào thăm quan, ngắm cảnh không có gì là sai phạm", ông Minh nhấn mạnh.

Công trình sai phạm Panorama Mã Pì Lèng vẫn mở cửa cho khách tự do ra vào.

Về việc này, theo thông tin trên báo Tiền Phong, ngày 22/2 vừa qua, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh tới Mã Pì Lèng chụp và đăng tấm ảnh kèm dòng trạng thái hài hước: “Bản em lưng chừng núi lưng chừng đèo/Từng bậc thang lên xuống như cung đàn”. Công trình từng bị nhiều người phê phán nhưng vẫn không bị dừng hoạt động.

Theo phản ánh, chủ nhà hàng này vẫn phục vụ khách tấp nập.

Nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng có sàn ngắm cảnh bằng khung thép vươn ra phía sông Nho Quế. Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Giang trong báo cáo và các cuộc họp với tỉnh đều xác định, chủ đầu tư công trình mới trưng ra được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm chứ chưa được chuyển đổi mục đích sang đất xây dựng. Bản vẽ thiết kế của công trình này cũng chưa qua thẩm định, đồng nghĩa công trình xây dựng trái phép.

Công trình này cũng vi phạm Điều 36 Luật Di sản Văn hóa, theo đó công trình nằm ngoài phạm quy quy định tại điều 32, nhưng có khả năng ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên và môi trường, sinh thái của di tích cần phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, cụ thể ở đây là Bộ VHTTDL.

Thực tế địa phương không xin ý kiến thẩm định của Bộ. Lãnh đạo Bộ cũng khẳng định công trình này “không thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh công viên cao nguyên đá Đồng Văn”.

Trước đó ngày 8/10/2019, Sở Xây dựng Hà Giang có văn bản gửi UBND tỉnh này, đề xuất phá dỡ toàn bộ 6 tầng giật cấp phía trên của nhà hàng Mã Pì Lèng xây nhô ra phía sông Nho Quế, để cải tạo thành đất trồng cây xanh; thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15/11/2019.

Huyện Mèo Vạc được giao chỉnh trang, cải tạo phần công trình còn lại (gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của khách du lịch.

Tuy nhiên, bà Vũ Thị Ánh (chủ nhà hàng) phản đối đề xuất này vì cho rằng phá dỡ 6 tầng nhô ra phía sông Nho Quế sẽ ảnh hưởng đến kết cấu còn lại. Đồng thời, vật liệu từ việc phá dỡ có thể gây ô nhiễm môi trường.

Thay vì tháo dỡ công trình, bà Ánh kiến nghị cơ quan chức năng cho bà hoàn thiện các giấy tờ liên quan đến tòa nhà. Nếu được giữ lại tòa nhà, bà sẽ phủ xanh toàn bộ để công trình thân thiện với cảnh quan, trông như hoang sơ. Ngày 11/10/2019, nhà hàng Mã Pì Lèng đã được sơn lại màu xanh lá và tồn tại cho tới nay.

Theo Báo Đất Việt

Link gốc : https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/panorama-ma-pi-leng-ngang-nhien-ton-tai-khong-kinh-doanh-ma-3397738/

Bạn đang đọc bài viết Panorama Mã Pì Lèng ngang nhiên tồn tại tại chuyên mục Pháp lý bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp lý bất động sản