Tòa triệu tập thêm nhân chứng
Chiều 23/7, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và một số đơn vị liên quan tiếp tục phần xét hỏi hành vi của nhóm kiểm toán trong việc ban hành báo cáo sai về Công ty Faros.
Báo cáo này được nộp lên cơ quan quản lý chứng khoán, dẫn tới việc Faros được niêm yết trên sàn HoSE trái quy định và cổ phiếu ROS sau đó được bán cho hơn 30.000 nhà đầu tư, thu lợi bất chính hơn 3.600 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Lê Văn Tuấn, cựu Kiểm toán viên Công ty Kiểm toán và Kế toán Hà Nội khai, bản thân làm Giám đốc một chi nhánh, hoạt động dưới sự ủy quyền của bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh, cựu Chủ tịch, Tổng Giám đốc công ty này. Hai người thỏa thuận mỗi khi Tuấn có khách hàng, sẽ được hưởng 20% giá trị hợp đồng.
Bị cáo Tuấn khẳng định không tham gia vào hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính của Công ty Faros giai đoạn 2014-2015 và giải thích có lời khai nhận tội tại giai đoạn điều tra vì "sức ép của ông Tỉnh".
"Trước khi lên làm việc với cơ quan điều tra, ông Tỉnh gặp, hỏi bị cáo trong quá trình Faros tăng vốn, em có nhận tiền hay cổ phiếu của công ty này không? Tôi trả lời không và ông Tỉnh nói sẽ có lịch lên làm việc với cơ quan điều tra. Tôi đáp, em không làm nên không ký và ông Tỉnh nói cứ yên tâm, không sao, phải nhận vì mình không làm sai; nếu làm sai đã bị đình chỉ, thu giấy phép hành nghề", bị cáo Tuấn trình bày.
Bị cáo Tuấn nêu giữa Kiểm toán Hà Nội và Công ty Faros có 2 hợp đồng, tổng trị giá 250 triệu đồng, không phải 100 triệu như hồ sơ vụ án. Chính bị cáo Tỉnh từng yêu cầu Tuấn đi đòi nợ số 150 triệu chênh lệch.
Căn cứ thứ 2, bị cáo Tỉnh từng đưa cho Tuấn một USB, trong chứa văn bản gồm câu hỏi của cơ quan điều tra C01 Bộ Công an kèm câu trả lời. Theo Tuấn, ông Tỉnh khi đó yêu cầu anh ta đọc và dựa vào văn bản này để trả lời khi làm việc với C01.
Đối đáp lại các ý kiến của Tuấn, bị cáo Tỉnh khẳng định không gây sức ép và cho rằng "Tuấn nói không đúng". Vị này giải thích việc đưa văn bản của C01 cho Tuấn là theo yêu cầu của anh ta.
Do bị cáo Tuấn thay đổi lời khai so với giai đoạn điều tra, HĐXX triệu tập thêm một số nhân chứng là người của Công ty Kiểm toán Hà Nội. Tuy nhiên, có người không nhớ do quá lâu; người khác lại khai biết Tuấn phụ trách kiểm toán cho Faros nhưng "biết không chính thức" vì chỉ nghe người khác nói lại.
Vợ ông Trịnh Văn Quyết đồng ý bán tài sản chung để khắc phục
Cũng tại phiên xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo, bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ của bị cáo Trịnh Văn Quyết) được HĐXX đặt nhiều câu hỏi về vấn đề trách nhiệm dân sự.
Bà Diệp cho biết, hiện tất cả tài sản mà cơ quan điều tra phong tỏa, kê biên trong giai đoạn điều tra vụ án đều là tài sản chung của vợ chồng ông Quyết và bà này. Bên cạnh đó, nhiều tài sản cũng đang được thế chấp để vay tiền tại một số nhà băng. Bà Diệp đồng ý dùng toàn bộ tài sản đó để khắc phục hậu quả.
Vợ cựu Chủ tịch FLC cho biết thêm, trong suốt quá trình bị tạm giam, mong muốn của ông Quyết là bán tài sản, vay mượn người thân và bạn bè để khắc phục hậu quả vụ án này.
Tính đến nay, tổng số tiền ông Trịnh Văn Quyết và gia đình khắc phục hậu quả vụ án là gần 240 tỷ đồng.
Theo Báo Đại đoàn kết