Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

250 triệu dân châu Âu bị phong tỏa, ca nhiễm toàn cầu vượt 204.000

TDVN 08:36 19/03/2020

Châu Âu đã đóng cửa biên giới toàn khối và đặt 250 triệu dân dưới các biện pháp phong tỏa trong bối cảnh hơn 204.000 người nhiễm Covid-19 trên khắp thế giới.

Số người nhiễm chủng mới virus corona hôm 18/3 đã vượt qua mốc 204.000, với các ổ dịch mới hiện tập trung ở châu Âu và Iran. Số người tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới hơn 8.200 ca, trong đó khoảng 5.000 ca xảy ra bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Trong bối cảnh số người nhiễm Covid-19 đang tăng nhanh, chính quyền các nước châu Âu đã gia tăng các biện pháp đối phó, đặt hơn 250 triệu dân vào tình trạng phong tỏa. Bên kia Đại Tây Dương, Mỹ và Canada cũng lần đầu tiên trong lịch sử đóng cửa đường biên giới chung giữa hai nước.

Châu Âu phong tỏa hơn 250 triệu dân

Bỉ và Đức là hai quốc gia mới nhất tại châu Âu tiếp bước sử dụng một loạt chính sách cứng rắn nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủng mới virus corona.

Hôm 18/3, Bỉ đã đóng cửa tất cả cửa hiệu, nhà hàng và cơ sở kinh doanh trừ siêu thị, hiệu thuốc và ngân hàng. Người lao động tại Bỉ được yêu cầu làm việc tại nhà trừ khi các doanh nghiệp bảo đảm khoảng cách cần thiết giữa các nhân viên nếu làm việc tại trụ sở

"Quyết định này được đưa ra sau khi xem xét sự tiến triển của tình hình. Chúng ta có đối phó thành công với Covid-19 hay không phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của mỗi cá nhân", Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes cho biết.

Các biện pháp phong tỏa tương tự cũng được chính quyền Đức áp dụng từ ngày 18/3. Dự kiến, Thủ tướng Angela Merkel sẽ có bài phát biểu trước toàn người dân Đức trong tối 18/3. Ngoại trừ các bài phát biểu chúc mừng năm mới, đây là lần đầu tiên bà Merkel phát biểu trực tiếp qua sóng truyền hình tới người dân trong suốt 15 năm lãnh đạo nước Đức.

Cảnh tắc nghẽn tại biên giới Áo - Hungary sau khi các lệnh phong tỏa được chính quyền Hungary áp đặt. Ảnh: AP.

Thủ tướng Merkel dự kiến kêu gọi người dân tuân thủ các khuyến nghị của chính phủ Đức, ở trong nhà và hạn chế việc đi tới các địa điểm công cộng. Các hoạt động kinh doanh không thiết yếu đã bị đóng cửa tại Đức. Nước này cũng cấm mọi cuộc tụ tập, hoạt động tôn giáo và các sự kiện kỷ niệm khác.

Các biện pháp được áp dụng tại Bỉ và Đức được cho là vẫn tương đối nhẹ tay so với những gì các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề hơn khác đang thực hiện.

Tại Pháp, người dân khi ra khỏi nhà phải mang theo giấy tờ chứng minh mục đích chuyến đi của mình, trong đó một số lý do người dân được phép rời khỏi nhà gồm mua thức ăn, làm việc hoặc khám bệnh.

Hơn 100.000 cảnh sát đã được Pháp triển khai nhằm bảo đảm thực thi các biện pháp phong tỏa. Người bị bắt vì vi phạm lệnh phong tỏa có thể bị phạt tới 200 USD. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm 18/3 tuyên bố sự lây lan virus corona tại nước này chỉ có thể bắt đầu giảm tốc trong từ 8-12 ngày tới.

"Chúng tôi sẽ can thiệp khi cần thiết, để bảo đảm người dân tuân thủ sắc lệnh về phong tỏa. Khi nhìn ra bên ngoài cửa sổ, tôi thấy người dân đã dần nhận được thông điệp của chính phủ", ông Veran nói.

Tối 17/3, lãnh đạo các nước thành viên EU đã nhất trí đóng cửa biên giới toàn khối đối với công dân các quốc gia bên ngoài khối này. Lệnh đóng biên của EU, kéo dài trong 30 ngày, áp dụng với toàn bộ 26 thành viên, cùng các nước Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Quan chức EU cho biết Anh, đang trong giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Brexit, sẽ tham gia cùng EU trong kế hoạch đóng biên.

Trong khi đó, Mỹ và Canada hôm 18/3 cũng đã nhất trí đóng cửa biên giới giữa hai nước đối với các hoạt động giao thông không thiết yếu. Lệnh đóng cửa biên giới được thông báo đồng thời bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn có thể giao thương giữa hai nước.

Số ca nhiễm trên toàn cầu vượt 204.000

Các quốc gia ngoài Trung Quốc tiếp tục chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm mới Covid-19. Tới cuối ngày 18/3, số ca nhiễm Covid-19 được xác nhận trên toàn cầu đã vượt mức 204.000, với 8.242 trường hợp tử vong. Hơn 82.000 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã bình phục.

Italy tiếp tục là tâm điểm của dịch bệnh tại châu Âu, đồng thời là điểm nóng nhất của Covid-19 trên toàn thế giới tại thời điểm hiện tại. Theo thông báo mới nhất vào cuối ngày 17/3 của Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy, quốc gia Nam Âu này đã ghi nhận 31.506 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới, trong đó 2.503 ca đã tử vong.

Trong khi đó, nhà chức trách Tây Ban Nha hôm 18/3 cho biết số người nhiễm chủng mới virus corona tại nước này đã lên tới 13.716, trong khi số ca tử vong là 558. Như vậy, Tây Ban Nha đã chứng kiến 2.538 ca nhiễm và 67 ca tử vong mới chỉ trong vòng 24 giờ qua.

"Chúng ta chưa bao giờ trải qua tình cảnh như hiện nay. Xã hội của chúng ta, vốn đã quen với những đổi mới giúp mở rộng kính thức, sức khỏe và sự sống, nay bị đặt trong một cuộc chiến để bảo vệ những gì chúng ta đã quen thuộc", Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói.

Heathrow, một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới, vắng lặng trong ngày 18/3. Ảnh: AP.

Tại Anh, nhà chức trách hôm 18/3 cho biết ghi nhận thêm 676 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, tức tăng thêm 35% so với ngày 17/3. Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Anh đã lên tới 2.626 trường hợp, trong đó 104 người đã tử vong.

Tại Iran, số ca tử vong vì virus corona hôm 18/3 lên tới 1.135, tăng 147 ca so với 24 giờ trước đó, đánh dấu số ca tử vong mới lớn nhất trong một ngày, theo một quan chức y tế Iran. Tổng số ca nhiễm ở Iran đã lên tới 17.361.

“Thật không may là số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua lên tới 1.192… Xin mọi người hãy tuân theo hướng dẫn và ở trong nhà”, Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi nói với đài truyền hình nhà nước.

Bên kia Đại Tây Dương, Mỹ đã ghi nhận ít nhất 6.184 ca nhiễm virus corona chủng mới, theo các cơ quan y tế địa phương và liên bang, các chính quyền và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC). Tổng cộng 112 ca tử vong liên quan tới Covid-19 được ghi nhận tại nước này.

Số ca nhiễm Covid-19 tại châu Á tăng nhanh

Hôm 18/3, Indonesia đã công bố vào 55 trường hợp nhiễm virus Covid-19 mới, đưa tổng số ca nhiễm lên tới 227 tại quốc gia này. Đây cũng là số ca nhiễm nhiều nhất được xác nhận trong ngày tại Indonesia.

Ông Achmad Yurianto, một quan chức của Bộ y tế Indonesia, cũng nói trong một cuộc họp báo rằng số người chết vì Covid-19 đã tăng lên thành 19 trường hợp. Bảy tỉnh khác nhau đã ghi nhận trường hợp tử vong. Bên cạnh đó,11 bệnh nhân cũng đã hồi phục.

Trong ngày 18/3, hơn 8.000 người Hồi giáo hành hương từ nhiều quốc gia châu Á đã đổ về nhà thờ ở thành phố Gowa, tỉnh Nam Sulawesi của Indonesia, để tiến hành thánh lễ bất chấp khuyến cáo của chính phủ về nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Trong khi đó, Malaysia công bố 117 ca nhiễm mới hôm 18/3, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên tới 790. Bộ Y tế Malaysia cho biết 80 trong số các ca nhiễm mới có liên quan tới sự kiện quy tụ 16.000 người tại nhà thờ Hồi giáo gần Kuala Lumpur.

Nhân viên y tế phun khử trùng đền thờ Kong Miao ở thủ đô Jakarta, Indonesia hôm 18/3. Ảnh: AP.

Malaysia hiện có số ca bệnh cao nhất Đông Nam Á. Nhiều ca bệnh tại nước này được cho là có liên quan đến một sự kiện Hồi giáo toàn cầu được tổ chức vào tháng trước. Chính quyền Malaysia cảnh báo làn sóng lây nhiễm virus corona mới nếu người dân không tuân thủ hạn chế đi lại trong 2 tuần tới.

"Chúng ta có một cơ hội mong manh để bẽ gãy chuỗi lây nhiễm Covid-19. Thất bại không phải là lựa chọn ở đây. Nếu không, chúng ta có thể phải đối mặt với làn sóng thứ ba của virus này, còn lớn hơn cả sóng thần", ông Noor Hisham Abdullah, tổng giám đốc Health Malaysia, cho biết trong một bài đăng trên Facebook hôm 18/3.

Cũng trong ngày 18/3, cơ quan y tế Đài Loan cho biết hòn đảo này xuất hiện 23 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 100. Người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan cho biết 19 trong số những ca nhiễm mới là những trường hợp "nhập khẩu", hầu hết trở về từ châu Âu - điểm nóng của dịch Covid.

Tại Hong Kong, nhà chức trách xác nhận 14 ca nhiễm mới trong ngày 18/3, cao nhất trong một ngày kể từ khi bùng phát dịch. Trong số 14 ca này, chỉ có một ca là không phải từ nước ngoài trở về, phản ánh nguy cơ mới mà hòn đảo này phải đổi mặt sau những nỗ lực kiểm soát dịch thành công ban đầu. Tổng số ca nhiễm tại Hong Kong nay lên tới 181 với 4 trường hợp tử vong.

“Chúng tôi tin rằng sẽ có một số lượng lớn người trở về Hong Kong, bao gồm nhiều sinh viên từ châu Âu và Mỹ", tiến sĩ Wong Ka-hing, chuyên gia kiểm soát tại Trung tâm Bảo vệ Y tế Hong Kong, cho biết.

Hàn Quốc hôm 18/3 cho biết ghi nhận thêm 93 ca nhiễm với Covid-19. Số ca nhiễm Covid-19 tại Hàn Quốc có ngày thứ 2 liên tiếp tăng trở lại, dù vẫn dưới 100 ca mỗi ngày.

Theo Zing

Link gốc : https://news.zing.vn/250-trieu-dan-chau-au-bi-phong-toa-ca-nhiem-toan-cau-vuot-204000-post1061260.html

Bạn đang đọc bài viết 250 triệu dân châu Âu bị phong tỏa, ca nhiễm toàn cầu vượt 204.000 tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự