Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Bệnh nhân 100: 'Nếu lây cho người khác, ân hận cả đời'

Nguyễn Triệu 08:48 09/04/2020

TP HCM - Ông Mohamath, "bệnh nhân 100", không bỏ sót giờ cầu nguyện nào, mong cơn ác mộng Covid-19 sớm qua, thánh đường hồi giáo Jamiul Anwar sẽ mở cửa.

Mâm cơm Halal với canh, rau, thịt được vợ dọn ra, song ông Muhamath (55 tuổi) không ngoái nhìn, đôi mắt thâm quầng hướng ra con hẻm trước nhà dẫn đến thánh đường Jamiul Anwar (phường 1, quận 8) cách đó không xa. Khu nhà ông ngày chưa có dịch bệnh đông đúc, nhất là những lúc thánh đường làm lễ, giờ vắng lặng. Tiệm tạp hoá nhỏ hơn 20 m2 của vợ chồng ông thường ngày người ra vào mua bán liên tục, giờ ế ẩm.

Ông Muhamath trở thành "bệnh nhân 100" ngày 22/3, sau khi tham gia thánh lễ Hồi giáo tại Malaysia, vừa được điều trị khỏi và cho về hôm 3/4. Vợ ông, bà Halima nói: "Mỗi bữa ổng chỉ ăn nửa chén cơm rồi lại lên gác nằm một mình. Tôi và con trai thương lắm nhưng không biết làm sao".

Cơn ác mộng đến với gia đình ông sáng sớm 19/3, khi ba người mặc đồ bảo hộ y tế kín mít từ đầu xuống chân, đến thông báo "ông Mohamath nhiễm nCoV", phải đưa vào bệnh viện ngay lập tức. Vợ chồng ông tưởng họ nhầm vì mấy ngày nay dù trong diện kiểm tra y tế nhưng sức khỏe họ vẫn tốt, không ho, sốt.

Lực lượng y tế lấy mẫu những người trong gia đình ông và nhiều người tiếp xúc gần đi xét nghiệm. Con hẻm nhỏ náo loạn, nhiều người bàn tán. Hàng chục căn nhà được phun trắng xóa chất khử khuẩn. Hơn 20 công an, dân phòng làm rào chắn các lối ra vào.

"Bệnh nhân 100" được đưa vào Bệnh viện Cần Giờ. Vợ và con trai ông cũng được đưa đi cách ly hai ngày sau đó. 140 hộ dân với 725 người sống xung quanh hẻm 157 Dương Bá Trạc và những người đi thánh lễ cùng ông bị cách ly, trong đó gần 200 người cách ly tập trung ở quận 8, Cần Giờ và nhiều nhất ở ký túc xá Đại học Quốc gia ở Thủ Đức. Năm thánh đường Hồi giáo ở TP HCM bị đóng cửa.

Ông Mohamath hiện đang được cách ly tại nhà ở quận 8. Ảnh: Hà An.

Ông Mohamath đang được cách ly tại nhà ở quận 8. Ảnh: Hà An.

Mọi chuyện bắt nguồn từ chuyến đi Malaysia du lịch kết hợp hành hương tại thánh đường Seri Petaling (ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia) của ông Mohamath. Đây là lễ hội lớn, mỗi năm tổ chức một lần nên thu hút hơn 16.000 người Hồi giáo các nước tham dự, trong đó có nhiều người từ Việt Nam.

Ông Mohamath đáp chuyến bay sang Malaysia ngày 26/2, ở suốt 8 ngày cùng 130 người từ TP HCM, An Giang, Ninh Thuận... Thời gian dự lễ, nhóm người Việt Nam được ở tập thể tại một khu vực ngoài trời. Ông chỉ đi lòng vòng gần khu vực đền để mỗi ngày hành lễ. Sau đó ông trở về Việt Nam, đáp máy bay xuống Tân Sơn Nhất chiều 3/3 trên chuyến bay của hãng Air Asia.

"Lúc đó Malaysia chưa phải là vùng dịch, Nhà nước chưa có quy định cách ly nên khi về Việt Nam tôi nhập cảnh bình thường, không được ai nhắc hay khuyến cáo điều gì. Tôi không biết mình bị nhiễm bệnh", ông Mohamath nói.

Trong 11 ngày sau đó, từ ngày 3/3 đến 14/3, ông vẫn tham gia các hoạt động thánh lễ tại nhà thờ Jamiul Anwar. Mỗi ngày ông làm lễ 5 lần cùng hơn 20 người vào các khung giờ 4h30, 12h30, 15h30, 18h15 và 19h15, mỗi lần 5-10 phút. Việc hành lễ 5 lần mỗi ngày do đạo Hồi quy định, không thể thiếu "giống như cơm ăn hàng ngày vậy".

Đến ngày 14/3, khi ca nhiễm nCoV có nguồn gốc từ nước ngoài tăng cao, ngành y tế bắt đầu rà soát những người về nước trước đó. Ông Mohamath nằm trong diện kiểm tra y tế tại nhà. Hàng ngày, ông được nhân viên y tế đến nhà kiểm tra, đo thân nhiệt. "Tôi không biết vì sao mình nhiễm bệnh. Lúc nghe thông báo dương tính, tôi có lòng tin sẽ chiến thắng bệnh tật", ông cho biết và dẫn sách kinh thánh nói "bệnh tật là lúc để thử thách sức chịu đựng con người...".

Ông được các bác sĩ điều trị trong căn phòng rộng khoảng 20 m2, thăm khám thường xuyên. Suốt thời gian ở đó ông không ho, không sốt cao. "Điều tôi lo lắng nhất là sức khỏe của vợ con và nhiều người khác vì mình mà phải cách ly. Nếu có ai nhiễm bệnh, tôi ân hận cả đời. Mỗi ngày tôi chỉ biết thành tâm cầu nguyện cho mọi người khỏe mạnh", ông nói.

Năm thánh đường Hồi giáo ở TP HCM phải đóng cửa từ ngày 17/3 sau khi một số người dự lễ hội ở Malaysia về nhiễm nCoV. Thánh đường Hồi giáo Jamiul Islamic trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận. Ảnh: Quỳnh Trần.

Thánh đường Hồi giáo Jamiul Islamic trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, do liên quan đến người nhiễm nCoV từ Malaysia về nên phải đóng cửa từ ngày 17/3. Ảnh: Quỳnh Trần.

Sau 5 ngày, kết quả xét nghiệm lần đầu của ông âm tính, lần thứ hai tương tự. Đến ngày 3/4, ông được ra viện. "Bác sĩ và nhân viên y tế chăm sóc tôi rất tận tình. Tôi rất biết ơn", ông nói.

Lại hướng gương mặt hom hem về phía thánh đường, ông bảo, hơn 20 năm sống ở xóm đạo, chưa bao giờ thấy bị áp lực và cô đơn hiện tại. Dù hàng xóm xung quanh không ai nói, song ánh mắt mọi người giống như xem ông là người gây ra mọi chuyện. Điều ông thấy được an ủi nhất là không có ai bị lây nhiễm, kể cả hai đứa trẻ hàng xóm ông hay ẵm bồng.

Hiện, ông Mohamath phải cách ly thêm 14 ngày tại nhà nên cũng hạn chế tiếp xúc. Suốt ngày ông thui thủi một mình trên gác làm lễ, đọc kinh cầu mong mọi thứ trôi qua nhanh.

Theo VN EXPRESS

Link gốc : benh-nhan-100-neu-lay-cho-nguoi-khac-an-han-ca-doi-

Bạn đang đọc bài viết Bệnh nhân 100: 'Nếu lây cho người khác, ân hận cả đời' tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự