Khoảng hai năm trước, prompt engineer là chủ đề bàn tán sôi nổi giới công nghệ, với mức lương lên tới 200.000 USD mỗi năm. Họ được ví như "người thổi hồn cho AI" với nhiệm vụ là tạo câu lệnh chính xác để AI đưa ra phản hồi tốt nhất.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển chóng mặt và sự trưởng thành của AI khiến vai trò này gần như không còn cần thiết. Mô hình AI hiện hiểu ý định người dùng tốt hơn, có thể đàm thoại, biết lặp lại quy trình và nhận thức ngữ cảnh tốt hơn, thậm chí chủ động đặt câu hỏi làm rõ. Điều này có nghĩa không cần câu lệnh hoàn hảo từ đầu.
Hơn nữa, các công ty tập trung đào tạo kỹ năng sử dụng AI và soạn thảo câu lệnh cho hàng loạt nhân viên ở nhiều bộ phận - từ tài chính, nhân sự đến pháp lý. Kỹ năng ra lệnh đang nhanh chóng thành năng lực cần có trong nhiều chức danh công việc hiện tại, thay vì là chức danh độc lập đòi hỏi chuyên môn riêng.
Kỹ sư nhắc lệnh AI không còn là nghề có thu nhập cao, được nhiều công ty săn đón.
Jared Spataro, Giám đốc marketing mảng AI tại Microsoft, cho biết khảo sát gần đây của hãng ghi nhận trong 12-18 tháng tới, nghề kỹ sư ra lệnh đứng áp chót danh sách các vị trí cần tuyển dụng. Các vai trò được tìm kiếm nhiều hơn là chuyên gia đào tạo, chuyên gia dữ liệu và chuyên gia bảo mật AI.
Hannah Calhoon, Phó chủ tịch phụ trách AI tại Indeed, cho biết trên nền tảng tìm kiếm việc làm này, số lượng tin tuyển dụng kỹ sư nhắc lệnh là "rất ít". Lượt tìm kiếm cho vai trò này tại Mỹ tăng vọt đầu năm 2023 sau khi ChatGPT ra mắt, nhưng sau đó chững lại. Bà Calhoon nhấn mạnh sự quan tâm người dùng "đã không tương xứng với số lượng tin tuyển dụng thực tế".
Jim Fowler, Giám đốc công nghệ tại Nationwide, nói: "Dù bạn ở bộ phận nào, chúng tôi thấy đây đang trở thành một năng lực trong công việc chứ không phải là một chức danh độc lập".
Sự suy tàn nhanh chóng của vai trò kỹ sư ra lệnh minh họa tốc độ thay đổi chóng mặt thị trường việc làm AI. Khi công nghệ phát triển và mô hình dễ sử dụng hơn, nhu cầu về một vai trò chuyên biệt "chỉ để nói chuyện với AI" giảm nhanh.