![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các ĐBQH tiếp xúc cử tri Hà Nội |
Sáng nay, 17-4, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng trước kỳ họp thứ 9 – Quốc hội khóa XV.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Nguyễn Ngọc Tuấn…
Về thuế quan của Mỹ, chúng ta phải thích ứng, “trong nguy có cơ”
Hội nghị đã nghe ĐBQH Nguyễn Quốc Duyệt, ĐBQH Nguyễn Phi Thường báo cáo các nội dung dự kiến tại kỳ họp thứ 9 tới và kết quả trả lời ý kiến cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 8; Tiếp đó, nghe cử tri trực tiếp phát biểu, nêu các phản ánh, kiến nghị đến đoàn ĐBQH TP.
![]() |
ĐBQH Nguyễn Phi Thường báo cáo với cử tri |
Cử tri Trần Thị Nhị (quận Đống Đa) phản ánh, cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính đang diễn ra mạnh mẽ, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Cử tri muốn biết Chính phủ có giải pháp thế nào để tránh tình trạng sắp xếp bộ máy nhà nước một cách cơ học; xử lý ra sao với tài sản công và trụ sở chính quyền các cơ quan dôi dư sau sắp xếp?...
Cử tri Ngô Văn Thành, phường Điện Biên (quận Ba Đình) mong muốn việc sửa đổi các văn bản pháp luật tại kỳ họp thứ 9 tới đây, nhất là sửa đổi Hiến pháp sẽ có chất lượng cao nhất…
![]() |
Cử tri Hà Nội phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri |
Chia sẻ với cử tri, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, từ đầu năm 2025, bối cảnh tình hình thế giới rất phức tạp, điển hình là căng thẳng về hàng rào thương mại thuế quan, sự bất ổn chính trị gia tăng, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ tác động lớn đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo Tổng Bí thư, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức mới từ chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ. Chúng ta phải chủ động ứng phó, nâng cao khả năng phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam.
Vừa qua, Trung ương, Chính phủ đã có những giải pháp ứng phó bước đầu, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm. Chắc chắn, "cuộc chiến" này còn rất phức tạp, nhưng chúng ta có điều kiện để thích ứng và có chính sách phù hợp.
Tổng Bí thư cho rằng "trong nguy có cơ". Trước thách thức ấy, Việt Nam cũng có cơ hội để xem xét lại định hướng phát triển, cơ cấu lại xuất nhập khẩu, sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường… làm sao để nền kinh tế đủ sức chống chọi với rủi ro.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, chúng ta đang là nền kinh tế có độ mở rất lớn. Chúng ta phải tăng cường thị trường trong nước, mở rộng thị trường nước ngoài, không để phụ thuộc vào bất cứ một thị trường nào. Chúng ta vừa phải ổn định vừa phải tăng trưởng kinh tế.
Phải tránh khuynh hướng biến xã thành “cấp huyện thu nhỏ”
Trao đổi với cử tri về vấn đề sắp xếp tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII vừa qua đã đưa ra nhiều quyết sách chiến lược, trong đó có chủ trương triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương, chuyển mô hình thụ động sang phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển đất nước.
![]() |
Lãnh đạo TP Hà Nội và các đại biểu dự buổi tiếp xúc cử tri |
Việc sắp xếp đơn vị hành chính ở địa phương được xác định trên tinh thần đột phá, mở rộng không gian phát triển mới cho địa phương và đất nước. Việc này, không phải chỉ để giảm chi phí hành chính, mà quan trọng là tạo dư địa phát triển cho từng địa phương, giúp bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, điều quan trọng nhất là phải phân cấp rõ Trung ương làm gì, tỉnh thành phố làm gì và cấp xã làm gì; tức phân cấp, phân quyền phải rõ ràng.
Tổng Bí thư lưu ý, có 2 khuynh hướng cần tránh khi sắp xếp xã, phường. Một là sáp nhập các xã, phường quá rộng như một "cấp huyện thu nhỏ" dẫn đến không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được nhân dân. Hai là sáp nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả.
Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là vấn đề then chốt của then chốt, phải chọn người đủ tầm, đủ tư duy, đủ trách nhiệm phục vụ nhân dân. “Bộ máy cơ quan Nhà nước không phải nơi trú chân an toàn, một người cá nhân chủ nghĩa không có chỗ trong bộ máy đó" - Tổng Bí thư nói.
Ông cũng cho biết, cần khuyến khích cán bộ, nhân viên rời khu vực nhà nước tích cực tham gia vào phát triển kinh tế tư nhân, làm sao mọi người đều phải lao động để làm ra của cải vật chất cho xã hội.
Về tài sản công và trụ sở dôi dư sau sáp nhập, Tổng Bí thư cho biết, Trung ương đã có định hướng, trong đó đã chỉ đạo về chống lãng phí. Ông nhấn mạnh cần ưu tiên dùng trụ sở các cơ quan dôi dư sau sáp nhập cho trường học và cơ sở y tế. Ngoài ra có thể tính toán dùng cho hoạt động công cộng…
Lưu ý riêng với Hà Nội hai vấn đề
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, trong lần tiếp xúc cử tri Hà Nội trước, cử tri rất quan tâm hai vấn đề là chống bụi, ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông. Ở lần tiếp xúc này, cử tri không còn bức xúc về hai nội dung trên, đó là kết quả đáng mừng. Ông đề nghị lãnh đạo Hà Nội cần tiếp tục triển khai quyết liệt các việc trên để nhân dân yên tâm, mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân, để người dân được thụ hưởng.
Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Hà Nội tập trung xử lý thêm hai vấn đề.
Thứ nhất là vấn đề an toàn thực phẩm. Nhắc đến vụ sữa giả, thực phẩm giả đang khiến cử tri và nhân dân rất lo lắng, Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ và Hà Nội phải vào cuộc.
Nhấn mạnh đây là vấn đề rất quan trọng, chẳng hạn sữa bột cho trẻ em là mặt hàng thiết yếu, Tổng Bí thư yêu cầu, Thủ đô không thể để mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến uy tín của thành phố, chất lượng đô thị và quan trọng nhất là ảnh hưởng sức khỏe và quyền lợi nhân dân. Do đó, thành phố cần phải có chuyên đề về kiểm soát ATTP, tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm.
Thứ hai, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Hà Nội quan tâm hơn vấn đề chăm lo giáo dục đào tạo, quan tâm đến thế hệ các em học sinh. Trong đó, cần quan tâm sâu sắc đến việc đảm bảo chất lượng dạy và học.
Đặc biệt, Tổng Bí thư gợi ý Hà Nội xem xét việc có chính sách miễn phí bữa ăn trưa bán trú cho toàn bộ học sinh Tiểu học, THCS của thành phố, bởi đây cũng là đầu tư cho thế hệ tương lai. Theo Tổng Bí thư, từ Hà Nội nếu làm được có thể xem xét nhân rộng ra cả nước thì rất tốt.