Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Hà Nội lý giải việc hàng loạt dự án chậm triển khai

TDVN 16:36 10/12/2021

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, từ năm 2017 đến nay, TP đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án, với tổng số vốn dự án là hơn 548 nghìn tỷ đồng.

Đến nay đã có 54 dự án hoàn thành, 70 dự án đang triển khai xây dựng.

Ngày 9/12, tại kỳ họp thứ 3, đại biểu HĐND TP. Hà Nội nêu thời gian qua, việc tổ chức các hội nghị xúc tiến hợp tác đầu tư của Hà Nội tạo kết nối hợp tác sâu rộng với các địa phương, khẳng định vị trí Thủ đô, nhưng thực tế có nhiều dự án đã được trao quyết định đầu tư nhưng chưa được triển khai. Tại các Hội xúc tiến đầu tư có khá nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết nhưng đến nay chưa được thực hiện, vậy đâu là nguyên ngân và giải pháp đôn đốc trong thời gian tới?

Đại biểu cũng nêu, trong các dự án triển khai chậm có khá nhiều dự án đầu tư công, thuộc danh mục công trình trọng điểm của Thành phố luôn được ưu tiên bố trí vốn, nhưng triển khai thực tế không đạt yêu cầu.

Những dự án chậm tiến độ, không đủ điều kiện sẽ bị Hà Nội thu hồi. Ảnh minh họa.

Một số đại biểu HĐND thành phố cho rằng, việc chậm đưa dự án vào hoạt động gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, giảm giá trị đầu tư nên thành phố cần có biện pháp xử lý đối với chủ đầu tư cố tình chây ỳ, kéo dài dự án. Các địa phương có nhiều dự án sử dụng đất chậm đi vào hoạt động là: Mê Linh, Thanh Oai, Hoài Đức… Tại các địa phương này, nhiều dự án đã 10 năm sau khi thu hồi đất nông nghiệp, giải phóng mặt bằng nhưng chưa tiến hành xây dựng, để cỏ mọc hoang, gây lãng phí, mất mỹ quan. Vấn đề này đã được các kỳ họp Hội đồng nhân dân trước chất vấn các bên liên quan quan nhưng đến nay chưa có nhiều chuyển biến.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn trả lời đại biểu, từ năm 2017 đến nay, Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án, với tổng số vốn dự án là hơn 548 nghìn tỷ đồng. Đến nay đã có 54 dự án hoàn thành, 70 dự án đang triển khai xây dựng.

Về nguyên nhân triển khai các dự án còn chậm là do trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư có thay đổi Luật đầu tư. Trên cơ sở đó, TP.Hà Nội yêu cầu rà soát lại các trình tự thủ tục pháp lý của các dự án. Trong quá trình tổ chức, việc xử lý vi phạm của các nhà đầu tư như vi phạm công tác PCCC, nghĩa vụ về đất đai, bảo hiểm xã hội, tài chính…

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư còn chưa tích cực chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan trong việc hoàn thiện thủ tục.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm đến nay, Sở KH&ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện quy trình đầu tư, giải quyết những vướng mắc tồn đọng của các nhà đầu tư. Trong đó, vướng mắc về thủ tục đầu tư, GPMB, chủ trương đầu tư.

Nguyên nhân khách quan, ông Đỗ Anh Tuấn cho hay, đối với những dự án có nguồn vốn ODA (các tuyến đường sắt) là dự án lớn, thời gian thực hiện kéo dài, chưa có tiền lệ trong việc tổ chức thực hiện thi công nên phải điều chỉnh nhiều hạng mục.

Những dự án PPP thì triển khai khá phức tạp. Từ những năm 2018-2019, phải dừng thanh toán theo Luật Tài sản công. Cho nên những nội dung liên quan đến hồ sơ mời thầu, hồ sơ phát hành mời thầu phải dừng thực hiện.

Vừa qua, trên cơ sở rà soát đánh giá những tồn tại, hạn chế của những dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020, Hà Nội cũng đã rà soát rất kỹ phân kỳ những dự án, khả năng tổ chức thực hiện, chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2021-2025 để tránh tình trạng kéo dài các dự án.

Trả lời về việc đôn đốc các dự án chậm tiến độ triển khai, Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, Sở KH&ĐT đã chủ trì, phân loại các dự án môi trường có sự dụng đất, các dự án về nhà ở, thương mại dịch vụ...; làm rõ tồn tại, vướng mắc của các dự án ở đâu; đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chủ đầu tư chây ỳ, không triển khai. Hiện nay, có khoảng 900 dự án chậm tiến độ. Sở sẽ có các giải pháp tổ chức thực hiện.

Nêu việc thực hiện các biên bản ghi nhớ còn hạn chế, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết Sở đã hoàn thành 25/34 cam kết. Thành phố đã ký kết 70 biên bản ghi nhớ. Về việc chậm triển khai, Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng nguyên nhân là do khi các đơn xuống thực trạng thì họ không đảm bảo thực hiện được theo đúng những nội dung đã cam kết.

Về giải pháp, Sở tham mưu Thành phố các giải pháp về cải cách hành chính để các thủ tục liên thông giữa các sở ngành, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo quy trình thủ tục. Ngoài ra, Sở sẽ giám sát đầu tư, thanh tra kiểm tra, kết luận, xử lý phù hợp, để đáp ứng đúng kỳ vọng của người dân.

Về nguyên nhân chậm dự án trọng điểm, ông Đỗ Anh Tuấn nhận định, việc chậm giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân chính, đây là vấn đề được các đại biểu và nhân dân hết sức quan tâm, và đã chỉ ra nhiều lần.

Trao đổi về nội dung này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bùi Duy Cường cho biết, hiện 379 dự án đã có kết luận cụ thể, đề xuất phương án xử lý. Trong đó: 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì nay đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng. Với 63 dự án chậm GPMB, các dự án còn lại vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.

Nguyên nhân chủ quan, do nhận thức ý thức chấp hành Luật Đất đai của các chủ đầu tư hạn chế, nhiều chủ đầu tư không phối hợp địa phương, cố tình chây ì không thực hiện nghĩa vụ tài chính, một số chủ đầu tư sắp hết hạn dự án thì đề nghị điều chỉnh gia hạn, một số sở ngành thực hiện chưa phối hợp đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Để khắc phục những tồn tại trên, Sở TN&MT sẽ cùng các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nghị quyết, báo cáo giám sát HĐND và kế hoạch của UBND, tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ì không thực hiện kết luận thanh tra. Với những dự án chủ đầu tư không liên hệ chính quyền địa phương, sau GPMB chưa đầu tư xây dựng, các ngành cần quyết tâm xử lý.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết nguyên nhân chính dẫn đến trình trạng dự án chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, trong khi năng lực của một số chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Thành phố đã giao Sở TN&MT chủ trì đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra cụ thể từng dự án, với tinh thần những dự án nào liên quan đến các quận, huyện, thị thì thành phố sẽ tập trung tháo gỡ để sớm triển khai thực hiện.

Theo Tài chính doanh nghiệp

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/ha-noi-ly-giai-viec-hang-loat-du-an-cham-trien-khai-d26182.html

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội lý giải việc hàng loạt dự án chậm triển khai tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay