Trước tiên, chúng ta sẽ lấy ra tên của vài mẫu TV Sony làm ví dụ. Đó là KD-65X9500H, KD-55A8H, KD-49X8500G và KDL-49W800G. Tiền tố "KD" trong tên gọi TV Sony được ám chỉ rằng đây là một mẫu TV Bravia đến từ hãng, phân biệt với sản phẩm của các công ty truyền hình khác.
Có hai mã tiền tố là "KD" và "KDL" tương ứng với hai dòng TV độ phân giải 4K UHD và Full HD. Như ở trên, mẫu 49W800G là TV Full HD nên nó đặt tên mã là "KDL" còn ba mẫu kia là UHD, đặt tên mã "KD". Chưa rõ liệu trong tương lai Sony có đổi lại cách đặt tên này hay không, nhưng nó là thứ rất ít người chú ý tới.
Nhiều người mua TV Sony cảm thấy bối rối với tên gọi sản phẩm của hãng |
Tiếp là các con số "65", "55" hay "49" xuất hiện sau tiền tố "KD" hoặc "KDL". Đó đơn giản là nói đến kích thước màn hình của sản phẩm và cũng là thông số cần chú ý nhất khi mua TV Sony. Hiện tại, kích thước lớn nhất mà Sony từng làm ra là 100 inch, thuộc về mẫu KD-100ZD9. Lưu ý con số này sẽ giúp chúng ta nắm bắt nhanh kích thước mà mình định nhắm đến.
Tiếp theo là các chữ cái "X", "A" hay "W". Chúng cho biết về phân cấp dòng TV bạn định mua. Ví dụ TV flagship màn hình LCD của Sony sẽ dùng "Z" và màn hình OLED là "A". Nếu là người rủng rỉnh tiền bạc và cầu toàn về chất lượng hiển thị, bạn chỉ cần nhắm đến hai dòng Z và A này mà bỏ qua các dòng khác.
Như ở trên, A8H chắc chắn là mẫu đắt tiền nhất vì nó thuộc OLED. Sony hiện tại vẫn xem màn hình OLED là công nghệ cho dòng cao cấp nên chúng luôn có các trang bị tốt nhất, không có mẫu tầm trung nào. Trong khi với LCD, chúng ta lần lượt có "X" cao cấp hơn "W", và "R" là những mẫu rẻ tiền nhất, chất lượng kém nhất.
Biết được ý nghĩa các thành phần chữ cái và con số trong tên gọi sản phẩm, chúng ta sẽ dễ lựa chọn hơn |
Trong quá khứ, Sony còn có dòng "S" ám chỉ cho màn hình cong, ví dụ KD-55S8500D. Tuy nhiên theo dòng chảy thị trường, TV màn hình cong mất dần sức hút và họ cũng nhanh chóng khai tử nó. Hiện tại, dải sản phẩm Sony giới hạn trong năm dòng "Z", "A", "X", "W" và "R".
Tiếp theo là hậu tố chữ cái được thay đổi hàng năm. Nằm cuối cùng trong tên sản phẩm, "D" là gọi cho các TV ra mắt vào năm 2016, "E" là năm 2017, "F" là năm 2018, "G" là 2019 và "H" là 2020. Đến năm 2021, Sony sẽ tiếp tục đổi chữ cái sau cùng này thành "I". Bạn đặc biệt phải lưu ý đến tên gọi này để tránh bị nhân viên cửa hàng qua mặt.
Ví dụ họ cố tình giới thiệu mẫu X9500G thay vì X9500H mà bạn đang tìm kiếm, hoặc có thể chỉ là nhầm lẫn của chính nhân viên đó đã lấy nhầm sản phẩm. Đôi khi cửa hàng treo giá shock giảm 40-50% cho một chiếc TV đã ra mắt từ năm 2018, 2019 nhưng vì tên sản phẩm gần như y hệt mẫu 2020, bạn cũng có thể bị nhầm mà chọn mua nó. Không nhiều người hiểu hết ý nghĩa của các chữ cái quan trọng này.
Trong cùng một dòng TV ra mắt trong cùng một năm, mẫu nào được đánh số lớn hơn thì chất lượng cao hơn |
Cuối cùng là tên gọi bằng số của TV, ví dụ như ở trên là X9500 và X8500. Chúng ta hiểu rằng số càng lớn thì TV đó càng hiện đại hơn, tính năng cao cấp hơn. Trong cùng một dòng X, 9500 sẽ có màn hình VA LCD với đèn nền FLAD, đem lại độ tương phản và độ sâu màu đen ấn tượng hơn 8500, vốn là IPS LCD với đèn LED viền. Bên cạnh đó, chip xử lý của 9500 cũng cao cấp hơn 8500.
Hay như với dòng TV OLED, A8 sẽ ở dưới A9 nên bị cắt giảm một số tính năng về chip xử lý hình ảnh hay công nghệ âm thanh. Trong cùng một năm được đánh dấu qua chữ cái cuối cùng ở tên gọi, sản phẩm nào có số lớn hơn thì trang bị tính năng cao cấp hơn, hình ảnh đẹp hơn sản phẩm đánh số dưới nó.
Theo VNReview