Hà Nội, Thứ Năm Ngày 08/05/2025

Lỗ hổng pháp lý khiến 'thuốc, sữa giả hoành hành'

TDVN 09:22 08/05/2025

Bộ Y tế đánh giá một số quy định pháp luật còn thiếu chặt chẽ, các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe, từ đó tạo ra những kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng trong việc sản xuất và buôn bán hàng giả.

Hôm 7/5, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết như trên tại buổi họp với các bộ, ngành và địa phương về vấn đề thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, tại Bộ Y tế. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh gần đây, các cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm loại sữa, thực phẩm chức năng, thuốc giả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Theo Thứ trưởng Tuyên, dù đã có Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm cùng nhiều văn bản hướng dẫn của các bộ ngành, tình trạng thuốc và thực phẩm chức năng giả vẫn diễn ra phức tạp, khiến dư luận lo ngại. Điều này chứng tỏ các khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa thực sự đảm bảo tính răn đe và hiệu quả thực thi. Ông yêu cầu các đơn vị rà soát toàn diện quy định hiện hành, đề xuất sửa đổi để chặt chẽ hơn trong quá trình thực hiện.

Cùng quan điểm, bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho rằng có một số quy định pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng.

Ví dụ, theo quy định, doanh nghiệp được quyền tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trao quyền cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, trừ 4 nhóm được kiểm soát chặt (gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi).

Tuy nhiên, quy định này tạo nên lỗ hổng pháp lý để các nghi can lợi dụng sản xuất hàng giả đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, cơ chế hậu kiểm còn chồng chéo giữa các bộ ngành và địa phương, dẫn đến sự buông lỏng trong kiểm soát chất lượng.

Hàng chục nhãn hiệu thuốc bị làm giả tinh vi. Ảnh: Lam Sơn

Hàng chục nhãn hiệu thuốc bị làm giả tinh vi.

"Các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả hoạt động có tổ chức chặt chẽ, trên địa bàn rộng, liên tỉnh, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi", bà Nga nói, thêm rằng họ lợi dụng chính sách thông thoáng trong đăng ký doanh nghiệp; đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe để trốn tránh trách nhiệm khi có vi phạm.

Ngoài ra, việc mua bán thực phẩm qua mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là hàng "xách tay" ngày càng phát triển, khiến việc kiểm soát, giám sát chất lượng trở nên khó khăn. Trong khi, lực lượng hậu kiểm và kinh phí thực hiện nhiệm vụ này còn mỏng và thiếu. Các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng... bị phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng.

Tương tự, ông Lê Minh Hải, Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, cho biết việc xử lý cơ sở vi phạm còn nhiều khó khăn, nhất là khi hoạt động liên quan đến nhiều địa phương. Việc phát hiện, xác định chủ thể kinh doanh, quảng cáo trên nền tảng trực tuyến chưa thật sự hiệu quả. Khi phối hợp với đơn vị có thẩm quyền, quá trình xử lý thường kéo dài, còn lúng túng.

Đối với mặt hàng thuốc giả, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, đánh giá khung pháp lý đã có nhưng chế tài xử phạt còn quá nhẹ so với hậu quả gây ra. Theo quy định, chỉ những vụ buôn bán hàng giả trị giá từ 30 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự. Các vụ nhỏ lẻ thường chỉ bị xử phạt hành chính với mức tiền không lớn do giá trị hàng hóa thấp.

Ông lấy ví dụ, cơ sở kinh doanh thuốc Clorocid TW 3 giả, giá trị lọ thuốc chỉ khoảng 30.000 đồng. Nếu cơ sở chỉ có 2-3 lọ thuốc bày bán, khi bị phát hiện, chỉ nhận xử phạt với mức từ 2 đến 6 triệu đồng, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu hàng hóa vi phạm. Trường hợp hàng hóa không rõ nguồn gốc dưới 1 triệu đồng, mức phạt thậm chí chỉ từ 600.000 đến 1 triệu đồng, chủ yếu là cảnh cáo hoặc buộc tiêu hủy.

TS Đỗ Thái Hòa, Phó giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cũng thừa nhận chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, thuốc giả nhưng đang xử lý theo giá trị hàng hóa thu được. Vì thế, cần có quy định, chế tài xử lý riêng với hàng giả trong lĩnh vực y tế vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe, một số hành vi đang xử lý hành chính có thể xem xét xử lý hình sự.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết ngành y tế sẽ tiếp tục siết chặt các khâu từ nhập khẩu, sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng; yêu cầu các địa phương tăng cường hậu kiểm, kiểm tra đột xuất thay cho kiểm tra định kỳ; nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực phẩm chức năng và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để tăng tính răn đe.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tuấn Dũng

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.

Thời gian qua cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả với quy mô lớn, hoạt động thời gian dài gây bức xúc trong nhân dân. Điển hình, Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Công an tỉnh Thanh Hóa cũng triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc và bắt giữ 14 người. Hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả bị thu giữ tại Phú Thọ. Một số sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh cũng bị phát hiện là giả.

Link gốc : https://vnexpress.net/lo-hong-phap-ly-khien-thuoc-sua-gia-hoanh-hanh-4882840.html

Bạn đang đọc bài viết Lỗ hổng pháp lý khiến 'thuốc, sữa giả hoành hành' tại chuyên mục Tiêu dùng thông minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng thông minh