Theo Bộ NN&PTNT, giá thịt lợn từ người chăn nuôi đến tay người tiêu dùng phải qua 2-5 khâu trung gian. (Ảnh: Bình Phương) |
Giá lợn giống cao
Ông Đỗ Quốc Gia, chủ trang trại lợn thịt ở Văn Giang (Hưng Yên) sau khi “tính nát óc” đã bán lứa lợn choai gần 200 con, sau khi mới vào đàn được ít ngày cho một chủ trại gần nhà. Đàn lợn 200 con trên, ông Gia phải mua lợn giống lúc 2,7 triệu đồng/con (loại 7kg), còn nay giá lên tới 3,2-3,3 triệu đồng/con, muốn mua cũng không có. Dù chỉ nuôi được một tháng, nhưng giá lợn giống lên cao, thấy có lãi khoảng 1 triệu đồng/kg nên đã bán sạch.
Theo tính toán của ông Gia, với các hộ nuôi phải mua con giống, nếu giá trung bình khoảng 3,2 triệu đồng, tiền cám hết khoảng 2,7 triệu đồng, chi phí thuốc thú y, sát trùng, điện, nước, hao hụt, công lên…nên giá thành đã lên đến 60.000-62.000 đồng/kg. “Với giá lợn hơi 70.000 đồng/kg, chúng tôi lãi khoảng 1 triệu đồng/con. Mức lãi ước mơ của người chăn nuôi”, ông Gia nói.
Theo ông Gia, nếu cứ số lợn đó cho đến khi xuất chuồng khoảng 4,5 tháng, giá lợn hơi vẫn cứ 92.000-93.000 đồng/kg như hiện nay, ông sẽ lãi ít nhất khoảng 3 triệu đồng/con. Còn với những trang trại chủ động được con giống, đặc biệt doanh nghiệp (DN) lớn làm khép kín từ giống đến giết mổ như Công ty C.P (Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P), có thể lãi tới 4-5 triệu đồng/con lợn là bình thường. “Tuy nhiên, trong điều kiện dịch vẫn còn rình rập, giá lợn chưa biết về đâu, nên để chắc ăn, đành phải bán. Lãi lớn nên bảo lúc này các DN như C.P, Dabaco… “nhả” lợn giống ra ngoài là chuyện rất khó. Đây mới là những ông ăn dày nhất”, ông Gia nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một chủ lò mổ ở Hà Nội cho biết, với giá lợn hơi khu vực Hà Nội khoảng 94.000 đồng/kg, nếu giết mổ sẽ cho ra khoảng 75 kg thịt móc hàm (tính trung bình nặng 1 tạ/con), với giá khoảng 125.000 đồng/kg. Từ khối thịt móc hàm bán lại, tiểu thương pha lóc ra các loại thịt ba chỉ, thịt nạc mông, chân giò, sườn, mỡ, xương…
“Chỉ loại thịt như ngon ba chỉ, sườn non, mới bán giá tới 170.000-180.000 đồng/kg, còn loại như xương cũng chỉ mấy chục nghìn/kg. Tính ra, họ bán được trung bình khoảng 140.000 đồng/kg, lãi được khoảng 20.000 đồng/kg. Trong khi giá thịt đắt, người tiêu dùng mua giảm, nên tiểu thương mà ế chỉ khoảng 5 kg, hết lãi”, vị này phân tích.
Cũng theo vị chủ lò mổ này, hiện Công ty C.P đang bán ra ở khu vực phía Bắc khoảng 3.000-4.000 con mỗi ngày, nhưng mua được trực tiếp giá 70.000 đồng/kg gần như là điều không tưởng, phải mua qua các cò trung gian khác với giá bằng giá thị trường, trên 90.000 đồng/kg hơi. Như vậy, nếu số lượng bán ở phía Bắc của C.P khoảng 4.000 con/ngày, mức chênh lệch giá với cam kết của Chính phủ tới 20.000 đồng/kg, thì đội cò trung gian đã ăn hơn 8 tỷ đồng/ngày.
“Liệu những khâu trung gian đó có phải là “sân sau” của C.P hay không, liệu họ có thực hiện đúng cam kết với Chính phủ không, tại sao các cơ quan chức năng không điều tra làm rõ?”, vị chủ lò mổ đặt vấn đề.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, thực tế có một số DN chăn nuôi lợn quy mô lớn không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt nên gia tăng thêm hiệu ứng thiếu nguồn cung làm tăng giá lợn thịt. Mặt khác, lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng qua 2-5 khâu trung gian, khiến giá thịt lợn tăng khoảng 43%.
Chưa có dấu hiệu giảm
Ông Nguyễn Xuân Lộc, Trưởng ban quản lý chợ đầu mối giá súc, gia cầm Hà Nam cho biết, giá lợn hơi ngày 13/5 tới 95.000-96.000đồng/kg. Số lượng lợn hơi giao dịch tại chợ chỉ còn 200-300 con mỗi ngày, giảm hơn một nửa so với trước đây. Lợn từ miền Nam gần như không còn ra miền Bắc nữa, vì giá lợn tương đương như ở miền Bắc. “Tình hình này, giá lợn hơi chạm mốc 100.000 đồng/kg không còn xa”, ông Lộc nhận định.
Ông Nguyễn Công Bắc, chủ hệ thống trang trại hơn 1.100 con lợn nái, khoảng 6.000 đầu lợn thịt (lớn nhất nhì ở Sơn La) cho biết, giá lợn hơi ở Sơn La xuất chuồng khoảng 92.000-93.000 đồng/kg. Theo ông Bắc, việc can thiệp của Chính phủ về giá là cần thiết, nhưng thịt lợn cũng như hàng hóa khác, phải theo quy luật cung cầu. Cần tập trung tăng đàn lợn nái mới có nguồn cung cấp con giống để nông dân vào đàn. Ông Bắc cũng nhận định, giá thịt lợn từ nay đến hết năm 2020 “khó được mức bình dân" vì nguồn cung vẫn thiếu.
“Nếu tiến độ tốt nhất, từ nay hết năm 2020 có thể về 70 nghìn đồng/kg. Bây giờ tới 3 triệu/con giống, giá bán 60 nghìn đồng/kg, nông dân lại lỗ, mà lỗ thì nông dân lại không nuôi nữa. Phải tới quý 1, 2/2021, nếu tái đàn lợn nái và kiểm soát dịch tốt, lúc đó mới xuống 60.000 đồng/kg hơi”, ông Bắc nói.
Muốn tái đàn, nhưng khan lợn giống
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, khó khăn nhất đến lúc này để tái, tăng đàn là con giống, vì rất hiếm và rất đắt. Theo ông Đăng, để hồi phục đàn lợn lên khoảng 1,8 triệu con như trước khi có dịch, Hà Nội đã hỗ trợ gần như 100% với các hộ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, để người dân có nguồn lực tái đàn.
“Chúng tôi đề xuất thành phố hỗ trợ các trang trại lớn, HTX, DN đủ điều kiện nuôi lợn giống ông bà với mức 40-50% giá trị mỗi con. Nếu không có đàn giống ông bà, thì những trang trại, gia trại khi thiếu con giống, họ sẽ dùng chính lợn thịt để làm lợn nái. Khi đó giống sẽ không đảm bảo chất lượng”, ông Đăng nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó GĐ Sở NN&PTNT cho biết, giá lợn giống trên địa bàn cũng khoảng 3 triệu đồng/con, nhưng không có để mua. Ông Hùng cũng cho biết, trên địa bàn có 2 DN lớn đặt trại giống là Dabaco khoảng 3.000 nái bố mẹ, tháng 6 sẽ có lợn giống để bán và Công ty C.P có đàn giống khoảng 20.000 con. Tuy nhiên, những DN này gần như không bán giống ra ngoài
“C.P họ chỉ quay vòng trong trại của họ. Với giá này, đang lãi lớn, họ sẽ không bán. Giờ địa phương chỉ vận động, kêu gọi, san sẻ... Rất khó ép DN, vì trại của họ cũng trên địa bàn, đều do người dân Hà Nam nuôi gia công”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, phải hết năm nay, khi nguồn cung thịt lợn tăng lên, giá mới ổn định trở lại và có cơ hội giảm. “Giá lợn do thị trường điều tiết, còn Nhà nước muốn giảm giá, chỉ có cách nhập khẩu về để bán may ra hạ nhiệt”, ông Hùng nói.
Theo Cục Chăn nuôi, thời gian qua, các DN lớn sản xuất lợn giống chủ yếu thay thế nội bộ mạng lưới gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài. Do đó, giá lợn giống hiện nay cao, có nơi hơn 3 triệu đồng/con.
Lạng Sơn bùng phát dịch tả lợn châu Phi
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn, tính đến 12/5, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 13 thôn của 7 xã, thị trấn thuộc 6 huyện: Chi Lăng, Văn Quan, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình và Hữu Lũng.
Những ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi này đều diễn ra tại những địa bàn có ổ dịch trong năm 2019. Như vậy mầm bệnh còn tồn dư, khi bà con thực hiện tái đàn nhưng không đảm bảo các quy định về chăn nuôi an toàn sinh học nên lợn bị tái nhiễm bệnh. Qua điều tra dịch tễ, nguồn lây không chỉ từ lợn sang lợn, mà còn từ chuột, một số côn trùng qua quá trình di chuyển từ chuồng có lợn bị bệnh sang chuồng khác.
Với diễn biến thực tế từ các ổ bệnh, cũng như thực trạng chăn nuôi lợn của người dân địa phương thời gian qua, nguy cơ các ổ bệnh dịch lây lan ra diện rộng là rất cao.
Theo Pháp Luật Plus