Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Xăng dầu giảm, giá hàng hoá và cước vận tải vẫn chưa 'hạ nhiệt'

TDVN 10:18 05/08/2022

Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm mạnh nhưng giá cả các mặt hàng thiết yếu, cước vận tải... vẫn "đứng im" đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Giá xăng giảm nhưng giá cả nhiều hàng hóa vẫn gần như "đứng im". Ảnh minh họa.

Xăng giảm, hàng hóa vẫn "đứng im"

Nhờ những nỗ lực của Chính Phủ cũng như các bộ ngành, giá xăng dầu đã có 4 đợt giảm liên tiếp với tổng mức giảm hơn 7.000 đồng/lít xăng. Hiện, giá xăng đã giảm từ mức gần 33.000 đồng/lít xuống còn hơn 24.000 đồng/lít.

Việc giảm giá xăng dầu sẽ có tác động đến giá của các mặt hàng, nhất là những hàng hóa, dịch vụ sử dụng xăng dầu làm đầu vào chính trong sản xuất.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, giá nhiều loại mặt hàng thiết yếu tại các chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa, giá cước vận tải vẫn ở mức cao.

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân của thực trạng này là do nhiều yếu tố tác động đan xen như giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong một thời gian dài nên chưa thể giảm giá ngay hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng dầu đi xuống.

Để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng dầu từ đầu năm hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài giá để tăng giá bất hợp lý, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.

Hiện, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường, xử lý các sai phạm theo quy định.

Tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá

Ngày 31/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Liên quan đến việc triển khai những công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chia sẻ tại Tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm – Thực trạng và giải pháp” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thực hiện chiều 4/8, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương cho biết, Bộ Tài chính bám sát các công điện của Thủ tướng trong 7 tháng vừa qua.

Trọng tâm, trọng điểm là các biện pháp gồm: Đẩy mạnh công tác tổng hợp phân tích dự báo thị trường và cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết và kịp thời cho những tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4% chính phủ đề ra.

Phối hợp chặt chẽ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Nghiên cứu để có thể bổ sung chính sách hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu. Đối với những hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá, sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành theo dõi và cập nhật kịch bản điều hành giá và đánh giá tác động đến mặt bằng giá và mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể và báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá, báo cáo Thủ tướng chính phủ xem xét quyết định.

Riêng với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã báo cáo trình Chính phủ có các phương án điều chỉnh các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu…

Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông và công khai minh bạch về giá để cho người tiêu dùng hiểu, theo dõi, giám sát và hạn chế những thông tin gây thất thiệt, hoang mang cho người tiêu dùng và gây bất ổn cho thị trường.

Đôn đốc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Công điện 679/CĐ-TTg về quản lý giá của các bộ, ngành địa phương và UBND các tỉnh để báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá và Thủ tướng Chính phủ để có kịch bản và biện pháp điều hành giá phù hợp.

Trả lời về việc giá xăng dầu giảm trong khi giá nhiều mặt hàng có xu hướng neo cao, bà Nương cho biết, Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý điều hành giá và trình Chính phủ ban hành công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ giá cả dịch vụ khi giá xăng dầu giảm trong các kỳ điều hành vừa qua.

Trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và thuế nhập khẩu đối với xăng động cơ không pha chì nhằm giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.

Tăng cường việc tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá.

Về giá cước vận tải, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc cho biết, Bộ đã rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý giá để phối hợp với Bộ Tài chính ban hành những văn bản thật phù hợp.

Rà soát các điều kiện kinh doanh, đặc biệt các điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện nào không còn cần thiết, phù hợp thì cắt giảm để tiết giảm chi phí cho các đơn vị kinh doanh vận tải và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng tình với giải pháp các bộ ngành thực hiện Công điện 679 của Thủ tướng Chính phủ, Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, nên phối hợp thêm các giải pháp khác. Theo đó, ngoài biện pháp hành chính, còn huy động hiệp hội bán lẻ, hiệp hội (DNVVN), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chợ, khu phố, làm sao những người buôn bán tự giác giảm một phần theo tiến độ giảm giá xăng dầu, chia sẻ khó khăn chung với xã hội.

Cũng theo ông Phú, nếu làm giải pháp đồng bộ, thì các chỉ đạo của Chính phủ sẽ được triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 4%. Công tác tổ chức thực hiện là quan trọng.

Theo Đại đoàn kết

Link gốc : http://daidoanket.vn/xang-dau-giam-gia-hang-hoa-va-cuoc-van-tai-van-chua-ha-nhiet-5693116.html

Bạn đang đọc bài viết Xăng dầu giảm, giá hàng hoá và cước vận tải vẫn chưa 'hạ nhiệt' tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường