Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu 40 doanh nghiệp trông giữ xe được cấp phép, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ để phục vụ hoạt động trông giữ phương tiện không sử dụng tiền mặt trong thu giá dịch vụ trông giữ xe tại các vị trí được cấp phép.
Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 57 bãi đỗ xe được thành phố cấp phép, hoặc nằm trong các trung tâm thương mại, chung cư, bệnh viện, trường học; 639 điểm đỗ (dưới lòng đường) với tổng diện tích khoảng 135.000 m2. Các đơn vị được cấp phép trông giữ xe phần lớn đang thu giá dịch vụ bằng tiền mặt.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, để tăng cường công tác quản lý nhà nước, hạn chế sử dụng tiền mặt, đồng thời minh bạch trong công tác thu giá dịch vụ trông giữ xe tại các vị trí do Sở GTVT cấp phép, cơ quan này tiến hành cho phép thí điểm công nghệ trong thu phí đỗ xe, tiến tới nhân rộng trong thời gian tới. Để tạo sự minh bạch, chống thất thu trong hoạt động trông giữ xe, cùng với đó là áp dụng công nghệ số trong quản lý giao thông tĩnh, xóa các bãi xe lậu, chặt chém, đầu tháng 3 vừa qua, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và lãnh đạo Bộ Công an (cơ quan thường trực thực hiện Đề án 06 về chuyển đổi số quốc gia) đã họp và giao cho các sở ngành, các đơn vị trông giữ xe tại Hà Nội từ tháng 4/ 2024 phải triển khai thu phí trông xe không dùng tiền mặt bằng công nghệ.
Trước đó, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, qua làm việc với 3 đơn vị cung cấp các giải pháp trông giữ xe thông minh. Công ty đã hoàn tất đề án để triển khai thu phí trông ô tô, xe máy không dùng tiền mặt, được TP. Hà Nội, Sở GTVT thống nhất cho thí điểm từ ngày 15/4 tới đây.
Giai đoạn đầu sẽ thí điểm ở 8 điểm trông giữ xe trên các tuyến phố, trong đó với ô tô sẽ thực hiện trên phố Trần Quang Khải, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt; với xe máy sẽ thực hiện trên phố Bà Triệu, tại điểm trông xe trước Bệnh viện Mắt Trung ương.
Theo Báo Dân tộc và Phát triển