Ngoài nem nướng, yến sào, khi tới du lịch Khánh Hòa, du khách không nên bỏ qua những món như bún cá sứa, bánh tráng xoài, xôi cá cơm kho.
Yến sào
Yến sào là một sản vật quý giá từ thiên nhiên, được mệnh danh "Đệ nhất bát trân ngự thiện". Các vua nhà Nguyễn đã xem yến sào là tài nguyên quốc gia.
Yến sào Khánh Hòa được khai thác trực tiếp từ các đảo yến thiên nhiên trong vùng biển Khánh Hòa do phân loài chim yến Aerodramus Fuciphagus Germani tạo nên. Phân loài này cho tổ chất lượng cao hàng đầu thế giới, tạo nên loại đặc sản giá trị mang đậm bản sắc quê hương Khánh Hòa.
Bánh tráng xoài
Vị chua thanh, độ ngọt vừa phải, phảng phất mùi thơm tự nhiên của xoài khiến bánh tráng xoài trở thành món đặc sản được nhiều thực khách yêu thích, mua về làm quà khi tới du lịch Khánh Hòa. Bánh ngon là miếng bánh vàng ươm, màu vàng không đậm đen cũng không quá nhạt, mềm dai, dễ xé, có vị chua ngọt thơm ngon tự nhiên của xoài, không ngọt gắt vị đường.
Nguyên liệu chính để làm ra những cuộn bánh tráng xoài là xoài cát chín tự nhiên xuất xứ từ Cam Ranh, nơi trồng xoài lớn nhất miền Trung. Xoài được gọt sạch vỏ và bỏ vào máy xay nhuyễn. Sau đó bắc hỗn hợp lên bếp, cho thêm chút nước đường, gừng tươi giã nhỏ, liên tục khuấy đều trong khoảng ba tiếng cho đến khi sôi và đặc sệt lại. Công đoạn này sẽ giúp tăng độ ngọt và độ cô đặc của thành phẩm. Người chế biến cần canh kỹ vì nếu hỗn hợp này cháy khét hay dính nồi thì bánh sẽ bám mùi không thơm.
Khâu tráng bánh cũng phải khéo léo không kém, làm sao cho miếng bánh đều và mỏng. Người dân rửa sạch nong, nia hay khuôn thép, lót nilon lên rồi thoa một chút dầu chống dính lên mặt nilon, tiếp đó đổ hỗn hợp xoài lên. Những chiếc khuôn này được đem phơi hai đến ba nắng để bánh se lại, ráo bề mặt, sờ vào không dính tay, có thể nhấc bánh lên là được.
Bánh tráng xoài phơi xong sẽ được cắt ra thành miếng hình chữ nhật vừa phải và bọc trong túi nylon để bảo quản.
Bún cá Nha Trang
Năm 2022, tạp chí Travel + Leisure Ấn Độ đăng tải bài viết giới thiệu 10 món ngon đường phố ở Việt Nam đối với du khách quốc tế; trong đó, có món bún cá - đặc sản của thành phố biển Nha Trang.
Theo tác giả: Bún cá Nha Trang có lẽ là ‘phiên bản ngon nhất’ của món bún cá. Nước lèo ngon ngọt được nấu từ cá tươi, ăn cùng với chả cá hoặc thịt.
Tô bún chả cá đúng điệu của người dân địa phương này thường có phần nước dùng rất trong với vị thanh ngọt được nấu, lọc từ cá liệt, cá bò và vị chua nhẹ của cà chua, thơm. Bạn có thể gọi kết hợp chả cá, cá bò và sứa trong cùng một tô bún để cảm nhận đủ vị ngọt từ cá và vị dai, giòn sần sật từ sứa. Khi ăn thêm chút mắm ruốc, vắt miếng chanh và gắp kèm rau sống để tô bún tăng thêm phần đậm đà.
Ảnh: Lê Linh Tour Guide
Xôi cá cơm kho
Tuy không nổi tiếng như xôi xéo Hà Nội, xôi trứng kiến Ninh Bình, xôi ngũ sắc Tây Bắc,... nhưng xôi cá cơm ở Nha Trang cũng là món ăn được cả người bản địa và du khách thập phương yêu thích.
Đúng như tên gọi, món xôi này được chế biến từ hai nguyên liệu chính là gạo nếp và cá cơm. Gạo nếp phải chọn loại ngon, thơm, hạt mẩy. Gạo được vo sạch rồi ngâm nước từ 3-4 tiếng hoặc để qua đêm cho hạt gạo mềm hơn. Sau đó, vớt gạo ra rổ, để ráo nước, thêm một chút muối và xóc đều rồi chờ một lúc thì cho gạo vào chõ, đồ chín.
Xôi được nấu khá đơn giản mà vẫn mềm dẻo, chẳng cần nêm nếm nhiều, chỉ với chút muối cho đậm đà và thêm lá dứa để dậy mùi thơm. Ở một số nơi, người ta còn nấu xôi hơi khô để khi ăn cùng cá cơm sẽ không bị nhão.
Ở Nha Trang, cá cơm có quanh năm và nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon hơn hẳn các vùng biển khác, gồm nhiều loại như cá cơm mồm, cá cơm săn, cơm trắng, cơm sọc,...
Tuy nhiên, để được món xôi ngon và đậm đà nhất, người dân địa phương thường sử dụng cá cơm mồm hoặc cá cơm săn. Cá cơm được lựa chọn tỉ mỉ từ những con cá còn tươi rói, có kích thước đồng đều nhau. Sau khi được sơ chế sạch, bỏ đầu bỏ ruột, cá được đem rim (kho) kỹ, nêm nếm sao cho có đủ vị chua cay mặn ngọt vừa ăn.
Theo chị Loan, ngoài cá cơm tươi, món xôi này cũng có thể chế biến từ cá cơm khô. Không chỉ hút khách bởi hương vị lạ miệng mà món xôi cá cơm còn được ưa chuộng vì giá thành bình dân. Chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng, thực khách đã có ngay một suất xôi cá cơm nóng hổi, dậy mùi thơm khó cưỡng.
Bánh ướt Diên Khánh
Dọc quốc lộ 1A, đi ngang qua thị trấn Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, có một con phố chỉ bán toàn bán bánh ướt nên được nhiều người đặt tên là “phố bánh ướt”. Nơi đây tụ tập rất nhiều cửa hàng, mở cửa từ 4h sáng đến tận đêm khuya.
Bột bánh sau khi được xay nhuyễn sẽ được mang đi trộn với nước và tráng thành những miếng bánh nóng hổi trên chiếc lò bằng đất nung. Khác với bánh ướt thông thường khi ăn kèm với thịt, chả hay nem, bánh ướt Diên Khánh sau khi cho ra dĩa sẽ được người chế biến bỏ lên trên mặt bánh tóp mỡ, ruốc thịt, tôm khô và đậu xanh. Du khách dùng nước mắm làm từ ruột cá thu hay cá cơm để ăn kèm với món bánh này.
Giá của một đĩa bánh ướt Diên Khánh không quá đắt, dao động từ 15.000 đến 20.000 đồng.
Nem nướng Nha Trang
Nem nướng là một đặc sản của Nha Trang nổi tiếng khắp cả nước, xuất hiện phổ biến ở cả TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, hương vị món ăn này tại "quê nhà" vẫn mang tới cho thực khách cảm giác khác lạ.
Thịt heo xay nhuyễn và giã thật mịn, nêm gia vị, rắc vài hột tiêu rồi nắn vào que nướng vừa vàng tới, thơm nức mũi.
Nem được phục vụ với đĩa nướng, bánh tráng, vài cái ram. Rau sống ăn kèm tùy theo mùa, tùy theo khẩu vị của mỗi người mà lựa chọn, có thể gồm rau xà lách, dấp cá, hẹ, húng quế, tía tô, dưa chuột, chuối chát, cà rốt, khế, dứa, kiệu, xoài xắt mỏng...
Độ ngon của nem nướng phụ thuộc vào bát tương chấm đi kèm, đây cũng được xem là bí quyết riêng của mỗi quán. Thành phần chính gồm nếp dẻo, đỗ tương, cà chua, tôm, thịt nạc, gan lợn xay nhuyễn trộn với đường, tỏi, ớt...
Theo Vietnamnet