Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn mà bạn nhất định phải thử khi đến Tây Bắc. Nhờ kỹ thuật ướp gia vị cầu kỳ và tinh tế mang lại cho miếng thịt hương vị đậm đà khó quên. Sau một thời gian gác bếp đun khói đủ độ, miếng thịt sẽ săn lại và có màu đen óng, vỏ khô nhưng bên trong vẫn hơi mướt mềm, mang đậm phong vị của núi rừng. Khi thưởng thức nên nướng hoặc hấp lại, sau đó dùng chày đập dập và xé nhỏ, ăn cùng tương ớt hoặc ớt cay trộn muối hạt giã nhỏ.
Lợn cắp nách
Lợn cắp nách là loại lợn đặc sản của vùng cao Tây Bắc. Giống lợn này được bà con dân tộc thả rông trong rừng, tự đi kiếm ăn nên mỗi con chỉ nặng chừng 10 - 15 kg. Do ăn các loại lá cây, rau cỏ trong rừng nên thịt của chúng rất chắc và thơm ngon.
Lợn cắp nách được chế biến thành nhiều món ngon như hấp, nướng, nấu giả cầy, hầm, nấu canh… Món nào cũng được tẩm ướp và nấu cùng các loại lá, hạt mang phong vị núi rừng, mang lại cảm giác lạ miệng, đặc biệt cho du khách lần đầu thưởng thức.
Cá chép nướng
Đây là món ăn nổi tiếng của nguời Thái ở Tây Bắc. Đồng bào thường chọn cá chép đực, để nguyên vảy, mổ vụng bỏ ruột, bỏ mang lọc xương giữa để dễ gập cá khi kẹp tre. Sau đó ướp cá với hạt mắc khén, muối, ớt tươi rồi kẹp tre tươi, nướng trên than hoa cháy hồng khoảng 30 phút. Cá nướng có mùi thơm nức, thịt mềm lại vị ngọt bùi quyện lẫn với vị cay của ớt và mắc khén chắc chắn sẽ lưu lại những hương vị không thể nào quên cho du khách.
Gà nướng mọi
Gà nướng mọi có mùi thơm ngậy, màu sắc rất cuốn hút. Sơ chế gà thật sạch, sau đó mổ phanh, bẻ ngửa mở cánh hai bên rồi kẹp vào vỉ nướng trên than hoa cách mặt lửa từ 15 đến 20 cm đến khi gà săn lại, da vạng đậm thì có thể ăn được. Gà nướng xong có vị ngọt, khi ăn chấm với muối hạt giã trộn ớt.
Thịt lợn hun khói
Đặc sản thịt lợn hun khói không phải muốn làm lúc nào cũng được mà phải tùy thuộc vào từng mùa. Và mùa lý tưởng nhất để làm món này là mùa đông. Thịt được ướp trong thời gian khá dài từ 5 – 7 ngày, sau đó mới được treo lên gác bếp và hun khói. Món ăn mang đến hương vị lạ cho người thưởng thức một phần bởi được ướp với các loại gia vị được phơi khô như: quả mắc khén, ớt, thảo quả…
Cơm lam bắc mê
Đây là đặc sản của dân tộc Tày vùng Bắc Mê được nhiều người biết đến. Khi thưởng thức, cơm lam có mùi thơm phức quyện cùng lá chuối và ống nướng. Loại cơm này có thể ăn không, chấm với muối mè hoặc ăn cùng cá nướng béo ngậy.
Rêu đá nướng
Rêu tuy nhiều nhưng loại ngon thì rất hiếm và tùy mùa mới có. Vì vậy với người dân bản địa, rêu được xem là một món ăn quý. Món ăn này cũng được chế biến với nhiều kiểu khác nhau như rêu rán, nấu canh… Nhưng ngon hơn cả vẫn là món nướng sau khi rêu được trộn với các loại gia vị.
Măng rừng luộc chấm chẳm chéo
Chẳm chéo là thứ nước chấm đặc trưng của núi rừng, thường được ăn kèm với nhiều món ngon trong đó có măng rừng luộc. Miếng măng non vị đắng sẽ tròn vị hơn khi ăn cùng chằm chéo có vị cay của ớt và hạt tiêu, cay tê của mắc khén, thơm nồng hạt dổi, rau mùi.
Xôi tím
Nếu bạn đã từng thưởng thức món ăn của đồng bào dân tộc Thái tại Tây Bắc thì có lẽ không thể quên được hương vị của món xôi tím dẻo thơm lại đẹp mắt. Gạo để nấu xôi là những hạt to và mẩy đều, vo sạch, ngâm thật kỹ rồi nhuộm bằng lá tím chỉ có ở vùng cao. Hạt xôi chín mềm, dẻo và không dính tay, lên màu tím tươi và bóng mẩy, khi ăn chấm với muối vừng rất ngon miệng.
Xôi chim
Gạo nếp để nấu xôi chim phải là gạo nếp nương. Món xôi có vị dẻo thơm của nếp nương sau hai lần đồ bằng chõ gỗ và vị ngọt của thịt chim bồ câu. Xôi chim được đựng trong ếp tre có nắp đậy để giữ ấm. Xôi nấu xong rắc thêm tép hành khô chiên vàng.
Trên đây là những món ngon mỗi ngày, đặc sản của núi rừng Tây Bắc. Nếu có dịp ghé qua nơi này bạn hãy cố gắng thưởng thức hết nhé!
Hoàng Lan (TH)/theo Tài chính DN