Gần đây, mạng xã hội xuất hiện làn sóng chia sẻ hình ảnh do AI tạo ra, trong đó các "phú bà", "đại gia" tạo dáng bên siêu xe lúc bị CSGT xử phạt. Dù phần lớn bài đăng đều kèm ghi chú “hình ảnh tạo bởi AI” với mục đích giải trí, trào lưu này đang làm dấy lên nhiều tranh cãi về ranh giới giữa sáng tạo nội dung và vi phạm pháp luật.
Cảnh báo trào lưu dùng AI giả mạo cảnh sát giao thông để “giải trí” trên mạng xã hội. (Nguồn ảnh: Hà Nội News)
Theo các chuyên gia, việc sử dụng hình ảnh giả mạo lực lượng chức năng dù mang tính chất đùa vui vẫn có thể gây hiểu lầm, tác động tiêu cực đến nhận thức cộng đồng và làm suy giảm uy tín của lực lượng thi hành công vụ. Không ít trường hợp ảnh chế còn khiến người xem tưởng thật, dẫn đến các bình luận lệch lạc, thiếu tôn trọng và xuyên tạc sự thật.
Theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi chia sẻ nội dung giả mạo, xuyên tạc, xúc phạm danh dự cá nhân hay tổ chức, đặc biệt liên quan đến lực lượng Công an nhân dân, có thể bị xử phạt hành chính lên tới 50 triệu đồng. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, người thực hiện có thể bị xử lý hình sự.
Bên cạnh yếu tố pháp lý, trào lưu này còn phản ánh thực trạng đáng báo động về tâm lý “sống ảo” và nhu cầu thể hiện bản thân trên không gian mạng. Khi công cụ AI ngày càng dễ tiếp cận, việc tạo dựng nội dung gây chú ý trở nên phổ biến nhưng cũng dễ vượt ranh giới an toàn pháp lý và đạo đức.
Các chuyên gia khuyến cáo người dùng cần thận trọng khi sử dụng hình ảnh mang yếu tố nhạy cảm, đặc biệt liên quan đến lực lượng chức năng hoặc cơ quan nhà nước. Việc “làm cho vui” trên mạng có thể dẫn đến hậu quả không chỉ với cá nhân đăng tải mà còn ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội và niềm tin của người dân với các thiết chế pháp luật.