Tuy nhiên, theo luật sư Ứng, nhìn sâu hơn vào "sóng gió" vừa qua, bài học không chỉ cho riêng Seven.Am mà còn cho nhiều doanh nghiệp trong hành trình xây dựng thương hiệu, gầy dựng uy tín với người tiêu dùng chính là sự minh bạch và tính chuyên nghiệp. Cũng theo vị luật sư này, với số tiền 170 triệu đồng phạt hành chính có thể là một khoản tiền không lớn với một doanh nghiệp, song riêng với Công ty Cổ phần MHA hy vọng người tiêu dùng có thể vẫn sẽ dành cho sản phẩm, thương hiệu của công ty này “sự bao dung, đồng hành, ủng hộ” như ông giám đốc mong mỏi bởi “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”.
“Nhìn rộng hơn, nếu như sự minh bạch, chuyên nghiệp luôn có trong lộ trình, hồ sơ kinh doanh của mỗi doanh nghiệp thì vụ khủng hoảng trên có lẽ sẽ chỉ xuất hiện ở một phạm vi, tầm mức khác chứ không phải để có cảnh “của đau con xót” như đã diễn ra. Những yếu tố “kinh điển” này trong kinh doanh rõ ràng không hề xưa cũ với bất cứ doanh nghiệp nào”, luật sư Ứng chia sẻ.
Ngoài ra, rõ ràng việc thương hiệu thời trang Seven.Am không minh bạch về nguồn gốc xuất xứ đã ảnh hưởng phần nào đó đến khách hàng – là những tổ chức, cá nhân đã tin mua sản phẩm của thương hiệu thời trang này. Sự không minh bạch này không chỉ gây thất vọng cho khách hàng, gây mất niềm tin trong lòng người tiêu dùng mà còn làm hạ uy tín của một thương hiệu thời trang Việt Nam trong mắt người dùng Việt. Như vậy, Seven.Am ngoài chịu phạt tiền có thể sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng về hành vi của mình.
Đồng thời, Seven.Am phải gửi lời xin lỗi công khai tới khách hàng – những người tiêu dùng đã tin tưởng thương hiệu thời trang này suốt thời gian vừa qua", luật sư Ứng nói. Trước đó, ngày 30.11, Tổng cục quản lý thị trường (QLTT) cho hay, đơn vị này vừa công bố kết quả xác minh, kiểm tra, xử lý vi phạm tại chuỗi thời trang thương hiệu Seven.Am.
Theo đó, chuỗi thương hiệu này mắc 4 lỗi vi phạm gồm: Sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc theo quy định; kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa theo quy định; không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy; sản xuất hàng hoá có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.
Ngày 11.11.2019, Đội QLTT số 14 thuộc Cục QLTT TP.Hà Nội đã kiểm tra 5 điểm kinh doanh quần áo Seven.Am tại Hà Nội tại các địa chỉ: 146-148 Tôn Đức Thắng; 146 Thái Hà; 135 Trần Phú, Hà Đông; 506 Nguyễn Văn Cừ (Công ty cổ phần MHA) và 11 Kim Đồng (Công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ).
Qua kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường đã thu giữ tổng cộng 9.035 sản phẩm gồm: 5.445 chiếc đầm, 409 chiếc chân váy, 1.902 chiếc áo khoác, 838 chiếc áo, 279 chiếc quần, 124 bộ quần áo, 24 túi xách và 14 chiếc ví. Toàn bộ số hàng hóa mang nhãn hiệu Seven.Am do Công ty CP MHA chịu trách nhiệm và phân phối. Sản phẩm váy, quần áo được sản xuất tại Công ty TNHH thời trang quốc tế Bảo Anh, có địa chỉ tại tầng 4 - tầng 5 tòa nhà 135 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội. Kết quả kiểm tra cho thấy, thời điểm năm 2017 và 2018, công ty có nhập khẩu trực tiếp một số mặt hàng là ba lô, túi, ví, giày, dép, dây lưng từ Trung Quốc của Công ty TNHH Guangxi PingXiang Zhenguan Import & Export Trading co. LTD nhưng đã bán hết. Tổng cục QLTT đang tiếp tục giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của Công ty CP MHA, Công ty TNHH thời trang quốc tế Bảo Anh và các đơn vị có liên quan để làm rõ.