Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Sự thật chiêu trò quảng cáo 'khớp GENKI giải pháp hàng đầu cho các bệnh xương khớp'

Anh Đức 08:47 13/06/2021

Sản phẩm viên uống khớp GENKI là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng quảng cáo có thể chữa dứt điểm bệnh xương khớp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

TPBVSK quảng cáo như thuốc biệt dược

Trước đó, Chất lượng Việt Nam (VietQ) đã có loạt bài viết phản các các vấn đề liên quan đến sản phẩm Toha Fast do Công ty TNHH TOHANO Việt Nam (Công ty TOHANO, địa chỉ số 35, đường Lê Văn Lương, Hà Nội) phân phối. Trong hành trình tìm hiểu bản chất mô hình kinh doanh online của Công ty TOHANO, PV tiếp tục phát hiện sản phẩm TPBVSK khớp GENKI có dấu hiệu kinh doanh gian dối.

Cụ thể, tại website http://www.tintuc-suckhoe.online/genki và các trang thương mại điện tử, sản phẩm GENKI được quảng cáo công khai như thuốc chữa bệnh điều trị khỏi đau nhức xương khớp, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa, gai đốt sống, viêm khớp dạng thấp... và khẳng định tính hiệu quả của sản phẩm, người tiêu dùng không lo tái phát.

Sử dụng hình ảnh bác sỹ Nguyễn Hồng Siêm để quảng cáo là vi phạm pháp luật

Nội dung vi phạm quảng cáo còn thể hiện như công khai khi sử dụng hình ảnh Bác sỹ Nguyễn Hồng Siêm - Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, giới thiệu người tiêu dùng chỉ cần để lại số điện thoại là được “Trung tâm Genki” của Bác sỹ Nguyễn Hồng Siêm hoặc Bác sỹ Siêm gọi lại tư vấn.

Dễ thấy nhất trên mạng xã hội xuất hiện nhan nhản các “trung tâm” như: Xương khớp GENKI - Bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm 0328.044.636; Xương Khớp GENKI - Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm, Bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm - Chuyên biệt xương xhớp 0359.949.480... quảng cáo với lời “đe dọa”: “Nếu không muốn bệnh xương khớp biến chứng dẫn đến bại liệt hãy để lại số điện thoại để được bác Siêm hỗ trợ trực tiếp”.

Trước hàng loạt trang web, địa chỉ fanfage kinh doanh sản phẩm, PV đã trao đổi với Bác sỹ Nguyễn Hồng Siêm thì ông khẳng định: “GENKI là thực phẩm chức năng và không chữa được bệnh xương khớp. Ngoài ra, tôi không có trang nào trên facebook cũng không rao bán sản phẩm”.

Những lời quảng cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Không chỉ vậy, trong các quảng cáo còn dựng, cắt ghép video của những bệnh nhân (chưa được kiểm chứng) đánh giá, chia sẻ sản phẩm có tác dụng “chữa khỏi”, “không còn” để nhằm mục đích gửi gắm thông điệp sản phẩm này có tác dụng chữa khỏi bệnh xương khớp. Thậm chí, đi thẳng vào vấn đề như: “Tôi đã từng nằm 2 năm 1 chỗ không làm ăn gì được. Các khớp tay, khớp chân đau mỏi đi lục cục. Sau khi được con tìm hiểu thấy nhiều người dùng GENKI khỏi, tôi uống trong vòng 2 tháng đã khỏi không còn đau nhức, tê mỏi nữa...”.

Bất chấp đạo đức kinh doanh?

Để lại thông tin cá nhân trên một trang web quảng cáo, ngay sau đó, PV được một người giới thiệu bên “Trung tâm Bác sỹ Nguyễn Hồng Siêm” gọi lại tư vấn. Quá trình thăm khám qua loa qua điện thoại, người này khẳng định PV bị thoái hóa đốt sống lưng l4, l5 và thoái đốt sống cổ.

“Với tình trạng này tôi sẽ kê cho mình 6 lọ khớp uống liên tiếp trong 3 tháng sẽ điều trị dứt điểm mà không lo tái phát lại”, nhân viên này tư vấn cho PV.

Trước đó, như thông tin phóng viên trao đổi cùng Bác sỹ Nguyễn Hồng Siêm, ông khẳng định ông không có trợ lý, cũng không tư vấn bán xương khớp GENKI qua mạng xã hội. Vậy, câu hỏi đặt ra, tại sao lại có nhóm người mạo danh là “trung tâm” của Bác sỹ Siêm?

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, việc quảng cáo TPCN phải tuân theo Luật Quảng cáo 2012, Nghị định 181/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, Thông tư số 09/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

Hành vi cố ý quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng điều trị bệnh được đánh giá thuộc mức nghiêm trọng và cần được xử lý nghiêm minh, thậm chí thu hồi giấy phép. Ngoài ra, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng quy định: Tổ chức, cá nhân không được phép quảng cáo sản phẩm sai so với tác dụng thực tế. Đối với cá nhân quảng cáo sai sự thật và ở mức nghiêm trọng có thể khởi tố hình sự.

Người tiêu dùng hãy cảnh giác với những lời quảng cáo như thế này

Theo các chuyên gia pháp lý, trong trường hợp y, bác sĩ bị mạo danh có thể làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng như Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan công an xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, những người bị mạo danh có thể khởi kiện người vi phạm ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án quyết định buộc họ chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Để “dẹp loạn” quảng cáo TPCN không đúng bản chất, theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xử phạt với khung cao nhất, thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm; thanh, kiểm tra với tần suất lớn nhằm phát hiện sai phạm (nếu có) để ngăn chặn nguy cơ sản phẩm kém chất lượng tới tay người tiêu dùng. “Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát việc quảng cáo TPCN nhằm đưa ra các cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm”, ông Phong cho biết thêm.

Theo VietQ.

Link gốc : http://vietq.vn/su-that-chieu-tro-quang-cao-khop-genki-giai-phap-hang-dau-cho-cac-benh-xuong-khop-d187886.html

Bạn đang đọc bài viết Sự thật chiêu trò quảng cáo 'khớp GENKI giải pháp hàng đầu cho các bệnh xương khớp' tại chuyên mục Cảnh báo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cảnh báo