Cuối tháng 5/2021, UBND tỉnh Phú Thọ ra 2 quyết định xử lý vi phạm hành chính và phạt hai cá nhân với số tiền hơn 500 triệu đồng liên quan đến hoạt động khai thác cát trên dòng sông Hồng thuộc phường Minh Nông (TP.Việt Trì) và sông Lô thuộc xã Hùng Long (huyện Đoan Hùng). Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc bị xử lý vi phạm do có hành vi khai thác cát trái phép.
Trên sông Lô và sông Hồng đoạn chảy qua Phú Thọ có nhiều đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản. Trong quá trình hoạt động khai thác, có doanh nghiệp thực hiện đúng những quy định trong giấy phép, tuy nhiên số doanh nghiệp “lách luật” để khai thác ngoài ranh giới phạm vi mỏ, sát chân đê, không có biển báo, phao đánh dấu vị trí khai thác, khai thác quá thời gian quy định…các nội dung liên quan được Tạp chí Kinh tế Môi trường trong loạt bài viết Phú Thọ: 'Cát tặc' hoành hành, sông Lô dậy sóng”.
Tàu hút của Công ty Tự Lập vào sát chân bãi bồi trên địa bàn xã Bình Bộ khai thác cát khiến hàng nghìn mét đất bãi của người dân trôi theo dòng nước. Ảnh chụp trên sông Lô qua địa phận tỉnh Phú Thọ. |
Theo các chuyên gia, cát là vật liệu xây dựng tối cần thiết cho ngành xây dựng. Tuy nhiên, pháp luật chỉ công nhận và bảo vệ hoạt động khai thác cát có nguồn gốc hợp pháp. Tức là khai thác theo đúng theo giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc theo đăng ký khối lượng cát thu hồi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa (kể cả ở lòng hồ, cửa lấy nước, vùng cửa sông ven biển) hoặc thuộc trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác khoáng sản ở khu cực có dự án đầu tư xây dựng công trình mà Luật Khoáng sản quy định.
Nhà nước nghiêm cấm các hoạt động khai thác cát trái phép. Những hoạt động này không những vi phạm pháp luật, làm thất thoát tài nguyên, ngân sách của Nhà nước mà còn gây thiệt hại về mặt xã hội, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, việc khai thác cát trái phép, không đúng quy hoạch đã gây ra nhiều hệ lụy. Nhưng thực tế hiện nay, tại một số khu vực giáp ranh giữa các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Phú Xuyên của TP.Hà Nội với các huyện Thanh Thủy, Tam Nông (tỉnh Phú Thọ), Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) và huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) vẫn còn tình trạng này. Phải chăng các cấp, các ngành còn lơi lỏng trong công tác quản lý?
Cách đó không xa, tàu khai thác cát của Công ty Phương Hướng cắm sát chân bãi bồi. Ảnh chụp trên sông Lô qua địa phận tỉnh Phú Thọ. |
Thực tế cho thấy, một số địa phương để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Nguyên nhân là do đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh, sử dụng nhiều thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng… Ngoài ra, một số chính quyền cấp cơ sở chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao...
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…
Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn…
“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.
Theo Kinh tế Môi trường