Ngày 13/3, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số người mắc virus corona lên con số 47. Đó là bệnh nhân nam 25 tuổi ở TP.HCM, có tiếp xúc gần với bệnh nhân 34 ở Bình Thuận. Hai trường hợp còn lại ở Hà Nội, trong đó có một người là giúp việc trong tòa nhà của bệnh nhân số 17 - ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở thủ đô.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành tiếp tục cho học sinh nghỉ học và điều chỉnh thời gian kết thúc năm học. Nhiều địa phương đóng cửa quán bar vũ trường và các khu tham quan du lịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh.
Điều chỉnh thời gian kết thúc năm học
Ngày 13/3, Bộ GD&ĐT gửi công văn hỏa tốc tới chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020.
Theo đó, năm học này sẽ kết thúc trước ngày 15/7. Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 8 đến 11/8.
Trên cơ sở khung kế hoạch thời gian trên, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động quyết định thời gian cho học sinh đi học trở lại, bảo đảm an toàn, phù hợp vưới tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương.
Năm học này sẽ kết thúc trước ngày 15/7. Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 8 đến 11/8. |
Bên cạnh đó, trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường, bộ đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành chỉ đạo sở GD&ĐT tiếp tục rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo hướng dẫn của bộ, triển khai hình thức dạy học qua Internet, truyền hình, tổ chức ôn tập kiểm tra công nhận kết quả học tập khi học sinh đi học trở lại.
Đến tối cùng ngày, 55 tỉnh, thành đã thông báo lịch nghỉ học mới. TP.HCM quyết định cho học sinh các cấp nghỉ đến 5/4.
Một số tỉnh, thành quyết định cho học sinh nghỉ thêm một tuần, hoặc hết tháng 3. Còn học sinh THPT ở nhiều nơi vẫn đi học bình thường từ ngày 2/3.
Tại Hà Nội, tất cả học sinh các cấp từ mầm non đến THCS, dạy nghề nghỉ đến hết 29/3. Riêng học sinh THPT nghỉ đến hết 22/3.
Giảm chuyến bay, khuyến cáo đeo khẩu trang
Hãng hàng không Vietnam Airlines thông báo tạm thời giảm tần suất bay giữa Việt Nam và châu Âu từ ngày 25/3 nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.
Vietnam Airlines sẽ tạm thời cắt giảm tổng cộng 14 chuyến bay mỗi tuần giữa Việt Nam và châu Âu. Các đường bay bị cắt giảm bao gồm Hà Nội, TP.HCM với London (Anh), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức). Tần suất bay sẽ khôi phục sau khi dịch được kiểm soát.
Bamboo Airways cũng phải lùi lịch khai trương chuyến bay đầu tiên đến Praha (Cộng hòa Séc) từ 29/3 sang 26/4.
Bamboo Airways lùi lịch bay đến Praha. Ảnh: Hoàng Hà. |
Châu Âu hiện là một trong những khu vực có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày. Từ 0h ngày 12/3, Việt Nam tạm dừng miễn thị thực với công dân 8 nước là Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha.
Bộ GTVT cũng có văn bản khuyến cáo việc sử dụng khẩu trang để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đối với hành khách trên các phương tiện giao thông công cộng.
Với Cục Hàng không, Bộ yêu cầu thông báo cho các hãng hàng không của Việt Nam hướng dẫn và khuyến cáo hành khách sử dụng khẩu trang trên máy bay, tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch.
Đóng cửa quán bar, khu du lịch
Ngày 13/3, Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế, đã yêu cầu tạm thời đóng cửa các rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage để hạn chế tụ tập đông người, hạn chế nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Ngoài ra, Cảng biển Chân Mây cũng tạm thời không đón các tàu du lịch cập bến để phòng dịch lây lan.
Chủ tịch tỉnh đề nghị các địa phương tiếp tục giám sát, nắm chắc tình hình dân cư phát sinh trên địa bàn, lượng khách lưu trú tăng thêm, báo cáo hàng ngày tình hình phát sinh các trường hợp F1, F2. Không được chủ quan sức khỏe của các trường hợp F1 đã có kết quả âm tính.
Chính quyền sẵn sàng các khu cách ly tập trung, báo cáo tình hình chuẩn bị khu cách ly để Ban chỉ đạo có phương án sử dụng khi cần thiết.
Nhiều nơi đề nghị đóng của quán bar, karaoke để tránh dịch lây lan. Ảnh: Đình Thiên. |
Theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, mỗi Trung tâm y tế cấp huyện phải có tối thiểu 10 giường bệnh cùng các phương tiện bảo hộ y tế để thực hiện cách ly. Người cách ly phải có hồ sơ cách ly gồm hồ sơ theo dõi sức khỏe, tờ khai y tế, giấy cam kết để chính quyền chủ động trong việc nắm tình hình diễn biến sức khỏe.
Tại Đà Nẵng, ông Hà Vỹ, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, cho biết đơn vị vừa có văn bản đề nghị UBND Đà Nẵng tạm đình chỉ các quán bar, vũ trường, karaoke, massage và trò chơi điện tử trên địa bàn.
Không chỉ riêng tỉnh này, lãnh đạo quận 1 ở TP.HCM cũng đề xuất đóng cửa quán bar và karaoke đến hết dịch. Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo phải khử khuẩn, tạm thời đóng cửa đến hết tháng 3 các quán bar, karaoke, các chương trình ca nhạc, các di tích trên địa bàn TP.
Rà soát người đi cùng bệnh nhân số 34
Ngày 13/3, Sở Y tế TP.HCM vừa gửi công văn khẩn đến các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và cơ sở y tế trên địa bàn đề nghị rà soát, xác minh hành khách trên chuyến bay QR974.
Đây là chuyến bay của hãng Qatar Airway xuất phát từ Doha đến sân bay Tân Sơn Nhất, chở bệnh nhân thứ 34 mắc Covid-19 ở Việt Nam. Trên chuyến bay này có 76 hành khách, trong đó nhiều người có thể đang lưu trú, cư trú tại TP.HCM.
Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện và các sở ban ngành phổ biến danh sách hành khách đi trên chuyến bay này để phối hợp tìm kiếm, phát hiện những hành khách đã đi đến TP.HCM và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân số 34.
Bệnh viện Bạch Mai được xét nghiệm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2). Ảnh: Zing. |
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chính thức cho phép khoa Vi sinh của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) được phép thực hiện xét nghiệm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2).
Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM) cũng chính thức đưa phòng cách ly áp lực âm vào sử dụng. Bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã được đưa đến Bệnh viện dã chiến này và được cách ly tại phòng cách ly áp lực âm của khu 1.
Hiện Bệnh viện dã chiến tại Củ Chi đã được lắp đặt 3 phòng cách ly áp lực âm, chuyên dùng cách ly cho những bệnh nhân nhiễm, hoặc nghi nhiễm Covid-19.
Không chủ quan với dịch bệnh
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ để nghe báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại Chính phủ đặt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định xã hội, không để thất nghiệp xảy ra.
“Khó khăn gấp đôi thì chúng ta phải cố gắng gấp ba” là phương châm hành động, là quyết tâm được Thủ tướng đề cập.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý cần chuẩn bị khẩn trương các điều kiện chống dịch, cần phản ứng nhanh và có hiệu quả, hành động kịp thời, bình tĩnh và đúng đắn. Đặc biệt, các cấp, các ngành và toàn dân không được chủ quan, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát.
“Chúng ta phải đưa ra mục tiêu, cam kết đẩy lùi dịch bệnh và làm mọi việc để người dân yên tâm, an toàn. Vì thế, chúng ta đã có kịch bản cụ thể và nâng tầm kịch bản lên, sát với thực tế, kể cả việc bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan trong phòng chống dịch. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo ông, nếu chúng ta chậm trễ sẽ bị dịch bệnh sẽ hạ knock-out. Nếu chúng ta không kịp thời, không nhanh chóng thì dịch bệnh sẽ lây lan cấp số nhân, lũy thừa.
Vì vậy, phải tìm mọi biện pháp hạn chế nguồn lây nhiễm. Phải khoanh vùng dịch bệnh, khử trùng đúng quy trình khẩn cấp, kịp thời.
Ông yêu cầu mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là pháo đài phòng chống dịch. Phải tuyên truyền đến từng người dân hiểu được phương pháp phòng chống cho cá nhân, cho gia đình và cộng đồng một cách tốt nhất.
Thủ tướng yêu cầu, sử dụng công nghệ trong phòng chống dịch bệnh như trong dạy học, ứng dụng khoa học - công nghệ trong tìm nguồn lây nhiễm vào Việt Nam… Và phải tập trung bác sĩ giỏi, phương tiện đầy đủ để chữa trị.
Theo Zing