Nắm bắt tâm lý dân nhậu, nhiều trang mạng, nhà thuốc tây rao bán viên ngậm, nước giải rượu… đủ loại với nhiều giá khác nhau. Bởi theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, chỉ cần phát hiện người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở thì số tiền xử phạt vi phạm tăng lên rất nhiều so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Đẩy giá thuốc, tư vấn bừa tác dụng
Tuy nhiên, khi chúng tôi thắc mắc viên giải rượu là kẹo ngậm F.F. làm dịu đau họng, giá mỗi vỉ chỉ 18.000-22.000 đồng, người bán liền giải thích: “Viên ngậm nào cũng giúp trị đau họng, nhưng loại này có bổ sung chất giải rượu, chỉ là mẫu ngoài nhìn giống thôi, lấy gói mùi bạc hà sẽ át được mùi bia, rượu”. Sáng 7/1, chúng tôi đến nhà thuốc tây M.K. (Quốc lộ 50, H.Bình Chánh TP.HCM) hỏi mua thuốc giải rượu, người bán liền giới thiệu hai loại thuốc dạng viên sủi và kẹo ngậm. Hỏi về tác dụng, người bán cho rằng thuốc viên vừa giải nhanh nồng độ rượu trong máu, vừa trị nhức đầu giá 30.000 đồng/viên. Kẹo ngậm xuất xứ Anh Quốc, ngậm một lần ba viên sẽ cho hiệu quả nhanh hơn. Viên ngậm có dạng vỉ, hộp và hũ lớn giá từ 29.000-97.000 đồng.
Uống thuốc giải rượu, tẩy cồn coi chừng mang họa |
Với viên vừa tẩy rượu vừa trị nhức đầu, người bán lấy từ ống viên sủi Pl. vị cam, bán lẻ chỉ 8.000 đồng, nhưng được đẩy giá 30.000 đồng với “vỏ bọc” tẩy cồn trong máu. Khi bị phát hiện, chủ tiệm thuốc liền đuổi khách.
Chúng tôi tiếp tục đến nhà thuốc tây trên đường Bắc Hải, Q.10 hỏi mua thuốc giải rượu. Nhân viên ở đây tỏ ra rất chuyên nghiệp khi hỏi thời gian uống bia, rượu, số lượng uống, rồi giới thiệu viên uống Al. mỗi vỉ bốn viên giá 76.000 đồng và phân tích: “Viên này làm từ cây a-ti-sô tươi, uống vô khoảng 15 phút hãy đi xe. Bây giờ, ai cũng nói viên giải rượu cấp tốc trong 5 phút nhưng không có đâu. Trong cơ thể, chỉ có gan mới giải cồn, 5 phút làm sao giải được, giải như vậy hư gan. Loại này của ngoại, hiệu quả nhất hiện nay nhưng cũng phải 15 phút”.
Tuy nhiên, khi phóng viên chỉ vào dòng chữ trên hộp là “giúp giảm các triệu chứng khó chịu do uống bia rượu và hỗ trợ giải độc gan”, và hướng dẫn sử dụng là uống một viên trước khi uống rượu bia 30 phút, người bán lập tức giới thiệu viên kẹo R. của Hàn Quốc, khẳng định có thể nhai trước, trong và sau khi uống rượu. Ngoài tẩy cồn tức thì, viên kẹo cũng giúp người uống không bị mệt và tửu lượng cũng cao hơn. Do kẹo nhập khẩu từ Hàn Quốc nên giá khá cao 164.000 đồng/hộp.
Một hiệu thuốc lớn trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10 cũng nhập khẩu về nhiều loại giải rượu rất đa dạng như viên ngậm, uống, nước giải rượu… nhưng thường tư vấn cho khách loại nước uống giải rượu tinh nghệ nguyên chất của Nhật Bản dạng gói pha nước và chai uống liền. Nước uống có thể sử dụng cho cả nam và nữ, mỗi chai 30ml giá 80.000 đồng, người uống ngay lập tức đào thải được cồn ra khỏi cơ thể, hết mệt mỏi, nhức đầu như chưa từng uống rượu, bia trước đó…
Không có loại thuốc nào giải rượu tức thời
Trước tình trạng thị trường tràn lan các loại viên ngậm, nước giải rượu bia, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Kim Quế, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, cảnh báo hầu như tất cả các sản phẩm giải rượu được rao bán đều là thực phẩm chức năng chứ không phải thuốc, người dân tránh ngộ nhận dễ rước họa vào thân.
Bác sĩ Quế phân tích: một người khỏe mạnh nếu uống 200-300ml bia 5% độ cồn, 100ml rượu vang 13% độ cồn, hay 30ml rượu mạnh… thì gan phải mất ít nhất hai giờ đồng hồ để đào thải lượng cồn ra khỏi cơ thể. Do vậy, nếu làm theo tư vấn của người bán, uống mỗi lần 3-4 viên giải rượu trước hay sau khi vào tiệc, ngoài ngộ độc thuốc, còn làm các cơ quan suy yếu.
Vì vậy, dù có sử dụng sản phẩm giải rượu bia thì nồng độ cồn trong máu vẫn còn, khi cảnh sát giao thông kiểm tra vẫn sẽ phát hiện. Bên cạnh đó, quá tin tưởng và lạm dụng các viên giải rượu, người uống sẽ chủ quan cho rằng tửu lượng được nâng cao, không dễ say, tự tin điều khiển xe, nguy cơ gây tai nạn cho mình và người xung quanh.
Bác sĩ Quế nói thêm: “Cũng nhiều người cho rằng đã có thuốc giải rượu, cứ uống rồi giải sẽ không độc hại gì, nhưng thực tế không có loại thuốc nào giải rượu tức thời. Ngoài ra, các sản phẩm này thường có thành phần ép gan làm việc nhiều, nguy cơ gan bị tổn thương, suy gan tăng cao. Chưa kể vì thương mại, người bán tư vấn sai cách sử dụng, khiến người mua dùng quá liều rất dễ xảy ra ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao”.