Hà Nội, Chủ nhật Ngày 28/04/2024

Vì sao thời tiết ngày càng dị thường?

TDVN 15:22 29/02/2024

Biến đổi khí hậu đang chi phối các hình thái thời tiết thay vì các pha của ENSO. Chính vì vậy, những diễn biến bất thường của thời tiết có thể xảy ra không theo quy luật bất kể đó là pha nào.

Miền Bắc trải qua đợt rét dài nhất trong 33 năm

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, miền Bắc đang trải qua những ngày rét đậm kéo dài dù đã cuối tháng 2. Thống kê từ năm 1991 đến nay (33 năm), số đợt rét đậm (theo tiêu chí nhiệt độ trung bình ngày <=15 độ xảy ra 3 ngày liên tiếp trở lên tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ) xảy ra trong nửa cuối tháng 2 có 13 năm, chiếm tần suất 40%.

Trong đó, có 2 năm xảy ra đợt rét đậm dài nhất là 6 ngày (đợt từ 22-27/2/1995 và từ 24-29/2/2000); thời kỳ từ năm 2017-2021 không có đợt rét đậm nào. Đến năm 2022 xảy ra rét đậm 4 ngày (từ 20-23/2). Nhiệt độ trung bình tại Hà Đông thời kỳ 10 ngày cuối tháng 2 là 18.3 độ, nhiệt độ thấp nhất là 7.9 độ.

Trong khi đó, đợt rét từ ngày 23/2 đến nay đã kéo dài 7 ngày, được coi là đợt rét dài nhất từ trong vòng 33 năm trở lại đây. Điều đáng nói là đợt rét ở miền Bắc chưa có dấu hiệu dừng lại khi từ chiều tối và đêm nay (29/2), một đợt không khí lạnh nữa tiếp tục bổ sung. Mưa rét ở miền Bắc tiếp tục kéo dài trong những ngày tới.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết khoảng chiều tối và đêm nay, không khí lạnh tiếp tục tăng cường đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5.

Từ đêm 29/2, các tỉnh, thành phố Đông Bắc Bộ, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ phổ biến 10-13 độ C, thấp hơn một ngày trước 2-3 độ C. Vùng núi phía bắc chỉ còn 7-10 độ C, khu vực núi cao có nơi dưới 5 độ C.

So với đợt rét đậm hồi đầu tuần, đợt rét này ở miền Bắc khắc nghiệt hơn khi mức nhiệt thấp hơn và kéo dài nhiều ngày, dự báo hết ngày 3/3. Cùng với đó, mưa nhỏ, mưa phùn gia tăng. Rét đậm, rét hại có thể ảnh hưởng tới gia súc, gia cầm; ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Phải đến đầu tuần tới, thời tiết miền Bắc mới có thể cải thiện khi không khí lạnh suy yếu.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, thời tiết tháng 3/2024, trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 1-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm. Mặc dù nền nhiệt độ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm song không khí lạnh vẫn tiếp tục tác động đến thời tiết ở trong nước tuy nhiên không khí lạnh có khả năng hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm.

Ngoài ra, không khí lạnh sẽ suy giảm dần về cường độ. Khu vực Bắc Bộ tiếp tục có khả năng xuất hiện sương mù, sương mù nhẹ và mưa, mưa nhỏ rải rác tập trung vào đêm và sáng sớm. Số ngày mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ trong mùa Đông Xuân 2023 - 2024 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm.

Hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn ở Bắc Bộ tiếp tục xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm trong thời kỳ nửa cuối tháng 2 và tháng 3/2024. Khu vực Nam Bộ sẽ xuất hiện nhiều ngày nắng nóng, tập trung vào nửa cuối tháng

Đề phòng những diễn biến bất thường của thời tiết

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, năm nay sẽ có sự chuyển pha liên tục của các hình thái thời tiết. El-nino sẽ kết thúc vào tháng 4 và chuyển sang ENSO (giai đoạn trung tính) trong khoảng các tháng 5, 6. Sau đó có sự chuyển pha đột ngột sang La-Nina từ khoảng tháng 7 và kéo dài đến hết năm. Chính vì vậy, thời tiết sẽ có nhiều biến động và nhiều hình thái thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa dông, lũ lụt và bão nhiều.

Sang tháng 6 sẽ bắt đầu có mưa lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Các cơn mưa rào cục bộ và mưa các đợt ngắn từ 1-2 ngày có thể kéo dài tới hết tháng 9 ở miền núi phía Bắc. Lượng mưa trong các tháng này ở phía Bắc có thể cao hơn 10-15% so với trung bình nhiều năm và có các cơn mưa lớn cục bộ gây ngập lụt và lũ quyét ở phía Bắc.

Theo PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), El Nino được dự báo tiếp tục duy trì và ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu nước ta trong 3-4 tháng tới. Nhiều khả năng xuất hiện kỷ lục nhiệt độ cao. Lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm ở hầu hết cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Bão và áp thấp nhiệt đới ít khả năng xuất hiện ở Biển Đông trong 3-4 tháng tới. Gió mùa mùa hè bắt đầu muộn hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Tác động của El Nino và La Nina thường rõ nét nhất vào giai đoạn phát triển, suy yếu và trễ pha (khoảng 1-3 tháng). Dự báo giai đoạn chuyển từ El Nino sang La Nina, thời tiết và khí hậu thường sẽ có những diễn biến bất thường, ngoài quy luật và khó dự báo. Việc giám sát chặt chẽ, cập nhật tình hình ENSO và tác động là hết sức quan trọng để chủ động ứng phó.

Nếu La Nina xuất hiện vào nửa cuối năm 2024 thì khả năng bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra dồn dập hơn; mưa lớn, lũ lụt, lũ quét ở Trung Bộ; mưa trái mùa ở Nam Bộ. Đặc biệt trong bối cảnh phát triển nhanh của đô thị hiện nay, ngập lụt đô thị xảy ra thường xuyên hơn. Đối với miền núi phía Bắc, chúng ta cần chú ý đến tác động của rét đậm và rét hại vào các tháng mùa đông 2024-2025.

Theo chuỗi số liệu lịch sử, El Nino mạnh vào mùa đông thường dẫn đến La Nina vào mùa hè hoặc mùa thu năm sau, ví dụ các năm 1972-1973; 1997-1998; 2015-2016. Sự dịch chuyển từ El Nino sang La Nina nhanh hay chậm sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng của nó đối với hoàn lưu toàn cầu và khu vực. Giai đoạn El Nino yếu và chuyển sang La Nina có thể xảy ra những diễn biến thời tiết bất thường do chưa có sự ổn định của hệ thống hoàn lưu quy mô lớn. Khi đó các hệ thống quy mô nhỏ hơn sẽ tác động đến thời tiết nhanh hơn nên rất khó dự báo.

"Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng biến đổi khí hậu đang chi phối các hình thái thời tiết thay vì các pha của ENSO. Chính vì vậy, những diễn biến bất thường của thời tiết có thể xảy ra không theo quy luật bất kể đó là pha nào", TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định.

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống

Sang tháng 4 nền nhiệt tăng đột ngột và duy trì đến hết tháng 7. Nhiệt độ trung bình các tháng ở hầu hết các vùng của Việt Nam sẽ có mức cao hơn từ 0,75 đến 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm trước. Riêng các tháng 5 và 6 sẽ có mức nhiệt cao nhất và không loại trừ khả năng nhiệt độ bằng hoặc vượt kỷ lục từng ghi nhận ở Việt Nam vào năm 2023.

Bạn đang đọc bài viết Vì sao thời tiết ngày càng dị thường? tại chuyên mục Cảnh báo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cảnh báo