Hoàn thiện xác nhận nhập học tại Trường Đại học Giao thông vận tải, Mạnh Dũng (2006) quê Yên Bái tất tả cùng bạn xuống Hà Nội tìm nhà trọ. Tuy nhiên giá phòng trọ quanh trường tăng làm Dũng phải bất ngờ.
“Vừa qua, khi biết đỗ vào Trường Đại học Giao thông vận tải. Điều làm em bất ngờ là giá nhà trọ bán kính 5km quanh trường đã tăng lên 200-300 nghìn so với 1 tháng trước. Mà với sinh viên chúng em mấy trăm nghìn là một con số không nhỏ mỗi tháng.”
Một tháng trước Dũng đã ý thức việc phải đi tìm nhà, nhưng vì chưa chắc mình sẽ trúng tuyển vào trường nào nên em còn phân vân chưa dám quyết. Theo Dũng chia sẻ, gia đình cho em 4 triệu tiền sinh hoạt hàng tháng kể cả tiền thuê nhà, trong khi đó những phòng trọ Dũng xem mức giá cũng dao động từ 2 tới 3 triệu đồng/ tháng. Như vậy số tiền còn lại là quá eo hẹp để em duy trì cuộc sống sinh viên.
“Đội mưa đi xem hơn 15 phòng trọ từ Thanh Xuân tới Cầu Giấy, Nam Từ Liêm cuối cùng chấp nhận một phòng giá 6 triệu ở được 3 người nhưng cách trường 8km. Phòng có giường, tủ, điều hoà, nóng lạnh dùng chung.”
Giống như Dũng, Mai Anh từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để thuê nhà trọ trước ngày nhập học Trường Đại học Kinh tế quốc dân khoảng 1 tuần.
Theo Mai Anh khảo sát, một số phòng gần trường có mức giá cao ngất ngưởng, phòng 12-15m2 bị chủ nhà “hét” giá trên 3 triệu đồng trong khi diện tích lại nhỏ, không có cửa sổ, bí bách và tù túng vô cùng. Đó là chưa tính điện, nước, phí internet, gửi xe. Chưa kể không có chỗ nấu ăn, chỉ được trang bị nóng lạnh (phòng tắm chung) và điều hoà.
Đã có kinh nghiệm thuê trọ nhiều năm ở Hà Nội, Thanh Bình (sinh viên năm 4 trường Đại học Thăng Long) cho biết mình đang ở phòng trọ chỉ 16m2 trên phố Thổ Quan, chưa tính tiền dịch vụ nhưng giá đã lên đến 3 triệu 2/tháng. Tại khu vực này, các phòng trọ cho thuê đều dao động từ 3,5-5 triệu/tháng.
“Hai năm trước tìm phòng đầy đủ tiện nghi chỉ vào ở, giá khoảng 2 triệu đến 2,2 triệu, nhưng năm nay em đi tìm nhà thì 3 triệu đến 3,5 triệu mới đáp ứng nhu cầu. Như em đã đi làm thêm mới vừa vặn chi trả được con số này, để các bạn sinh viên năm nhất thuê thì quá sức lắm", Thanh Bình chia sẻ.
Ngoài chi phí phòng trọ, nữ sinh còn phải đóng thêm các chi phí dịch vụ khác như: 150.000 tiền nước, 100.000 tiền internet, tiền điện 4.000 đồng/số, tiền gửi xe 20.000/ người,…
Theo Thanh Bình, với mức giá 3 triệu đồng hiện nay chỉ thuê được căn phòng xập xệ, ít tiện nghi. Phòng càng đẹp, chi phí càng cao và vượt quá khả năng tài chính của sinh viên. Muốn thuê phòng tốt, nhiều bạn chấp nhận ở ghép, hoặc tăng thời gian làm thêm để kiếm tiền chi trả.
Ông Lợi, chủ một khu nhà trọ ở Khâm Thiên cho biết, hiện vẫn giữ giá nhà ở mức 3,2 triệu như thời Covid, vừa qua ông phải nâng cấp hệ thống phòng cháy, chưa kể giá nhà trọ quanh đó vẫn nhích dần lên. Ông đang cân nhắc sẽ tăng thêm khoảng 300 nghìn mỗi phòng.
“Tôi không muốn tăng cũng không được, đợt này nhiều kinh phí phải đắp vào, chưa kể còn sửa sang lại phòng. Các bạn sinh viên bây giờ thấy phòng lụp xụp quá cũng không thuê đâu. Mà phòng đẹp, đầy đủ tiện nghi thì giá cao là phải thôi”, ông Lợi đưa ra nhận định.
Liên quan đến vấn đề này, Gia Linh (một nhân viên môi giới nhà trọ) cho hay, câu chuyện phòng trọ tăng giá thời điểm sinh viên chuẩn bị nhập học không còn quá xa lạ. Nhu cầu thuê trọ cao hơn khi năm học mới bắt đầu, sinh viên từ các tỉnh lẻ đổ về Hà Nội học tập, Chủ nhà đầu tư chi phí tu sửa, trang bị hệ thống đáp ứng an toàn phòng cháy chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan chức năng sau một loạt vụ cháy nổ;... đều là những lý do “hợp lý” để chủ nhà ngang nhiên đổi giá.
Mỗi ngày, Linh nhận được hàng chục tin nhắn yêu cầu tư vấn và dẫn đi xem phòng. Trường hợp kỳ kèo không thuê, chủ trọ chẳng giữ và nhất định không xuống giá. Cô khẳng định, giá phòng trọ sẽ còn tăng mạnh vào khoảng thời gian cuối tháng 8 và đầu tháng 9 - thời điểm nước rút đón sinh viên vào đại học.
Cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo khi thuê trọ
Chia sẻ về kinh nghiệm đi thuê trọ, Thanh Bình lưu ý các bạn tân sinh viên đừng tin ảnh trên mạng, các bạn dù xem ảnh trên mạng bao nhiêu lần thì chắc chắn vẫn phải đến tận nơi để xem trọ để biết chính xác chỗ đó như thế nào.
Khi đi thuê trọ phải đi cùng người thân để tránh chủ trọ thấy mặt học sinh, sinh viên nên lừa đảo. Nên thuê trọ gần trường vì sẽ có nhiều hàng ăn, mua đồ..., thuận tiện cho việc đi học. Khi thuê trọ, phải đọc kỹ hợp đồng, các điều khoản trong hợp đồng, giá tiền điện, nước, wifi, các thiết bị trong phòng có đảm bảo không,... tránh tình trạng thu tiền nhà, tiền điện, nước theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” của chủ trọ. Đi thuê chắc chắn phải xem chỗ để xe, đặc biệt là xem kỹ tình trạng toilet trước khi ở.
Theo Thanh Bình, nhiều chủ trọ yêu cầu thuê tối thiểu một năm, đóng cọc thêm 1 năm nữa, số tiền này rất lớn có thể lên tới gần 100 triệu đồng, vì vậy các bạn sinh viên phải hết sức cảnh giác. Nên thuê hợp đồng ngắn hạn từ 3-5 tháng để nếu chỗ ở không phù hợp, các bạn có thể chuyển đi dễ dàng.
Nhớ kiểm tra an ninh xung quanh chỗ thuê, tránh thuê những nơi quá hẻo lánh, xa xôi, đặc biệt là các bạn nữ rất phải cẩn thận trong việc này, đề phòng trường hợp đi tối muộn về rất nguy hiểm.
Quay video, chụp mọi ngóc ngách trong nhà trước khi thuê, để sau này nếu phòng trọ có vấn đề gì có thể phản ánh lại mà không sợ bị “bóc phốt” từ chủ trọ.
Về các chiêu trò lừa đảo, Gia Linh cũng chia sẻ thêm: “Mình đã gặp nhiều bạn sinh viên bị lừa khi người môi giới bảo thuê không cần đặt cọc, chỉ cần chuyển một khoản giữ chỗ (500 nghìn - 700 nghìn), sau khi cầm tiền họ sẽ chặn mọi liên hệ của sinh viên luôn. Mình khẳng định không có chỗ nào cho thuê phòng mà không cần cọc đâu, các bạn sinh viên năm nhất dễ bị lừa vụ này lắm.”
Một kiểu nữa là lừa đặt cọc, Gia Linh cũng đưa ra một số dấu hiệu nhiều khả năng là lừa đảo. “Thông thường những bài viết trên mạng xã hội mà không để lại số điện thoại 90% là không chính chủ, cần cảnh giác khi làm việc. Các bạn xem giá phòng rẻ bất ngờ so với mặt bằng chung khu vực đó thì nên chậm lại, không phải ngẫu nhiên nó rẻ thế đâu, đừng ham rẻ. Các bài viết kiểu “phòng chung cư mini giá dân” 99% không có; nhắn tin xem phòng mà không cho số, liên tục thúc đóng cọc, “không cọc thì hết phòng” thì các bạn cũng đừng bị thúc thế mà hoảng, tiền của mình mà, cần hết sức bình tĩnh, càng bị thúc càng phải chậm lại để tìm hiểu nhiều hơn.”
Theo Đại Biểu Nhân Dân