Thời gian gần đây, nhiều trang mạng xã hội giới thiệu, quảng cáo một sản phẩm với tên gọi thẻ đeo chống virus và diệt khuẩn. Theo quảng cáo, thẻ được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản, với thành phần chính là hợp chất Chlorine dioxide (CLO2) ở dạng hạt rắn, được công nhận an toàn ở cấp độ A1 theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Sau khi mở bao bì sản phẩm, các phần tử CLO2 sẽ bay ra ngoài không khí thông qua các lỗ thoát khí trên thẻ. Thành phần CLO2 sẽ oxy hóa các cấu trúc protein của virus, vi khuẩn quanh bạn, ngăn chặn và vô hiệu hóa chúng.
Thẻ có tác dụng chống virus và làm sạch không khí trong bán kính 1-2 m. Thời gian sử dụng thẻ là 2 tháng. Mọi lứa tuổi đều có thể dùng được thẻ đeo, phù hợp nhất cho những người sức đề kháng kém như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai... Đặc biệt, nhiều trang mạng xã hội còn khẳng định đeo thẻ này có tác dụng chống được SARS-CoV-2.
Về vấn đề này, PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chuyên gia của Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam (EOC) cho biết, thẻ đeo này không có tác dụng ngăn chặn SARS-COV-2.
Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chưa có khuyến cáo về phương pháp phòng bệnh bằng loại thẻ này. Cơ quan y tế của Việt Nam cũng chưa nhận được thông tin chính thức từ các nhà khoa học, chuyên gia phòng bệnh truyền nhiễm, chống dịch của các tổ chức quốc tế về việc đeo thẻ giúp phòng dịch COVID-19.
Để bảo vệ bản thân và gia đình, mỗi người cần tiếp tục tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng; Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; khi ho, hắt hơi phải che kín miệng, mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo, sau khi sử dụng khăn giấy vào thùng rác rồi rửa tay; Đeo khẩu trang đến chỗ đông người, trên các phương tiện công cộng hoặc khi tiếp xúc với người có các triệu chứng bệnh; Thường xuyên lau dọn nhà cửa, lau sạch các bề mặt bàn ghế, tay vịn cầu thang, nắm đấm cửa; súc miệng bằng nước muối 2 lần/ngày; Tránh đến những nơi tụ tập đông người; không đi du lịch nước ngoài...
Thẻ diệt virus không có tác dụng ngăn chặn Sars-CoV-2 như quảng cáo trên mạng xã hội. Ảnh: TTXVN |
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết các thông tin dạng trên được đưa ra mang tính lừa đảo để bán hàng. Vì acid cloric (HClO3) là một acid mạnh, nếu tiếp xúc với bông vải sợi hay da thịt, nó có thể đốt cháy luôn, nên không thể thấm vào thẻ đeo an toàn với da thịt. Còn carbon dioxide chính là khí carbonnic (CO2). Không thể có dạng kết hợp nào giữa natri cloric acid với carbon dioxide mà có tác dụng diệt vi khuẩn, virus, phấn hoa trong không gian, càng không thể đeo thẻ trước cổ để tạo được hàng rào vô hình như quảng cáo. Do đó, người dân cần phải cảnh giác trước các quảng cáo về thẻ diệt virus để không “tiền mất, tật mang”.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng khẳng định: "Thẻ chống virus này không có tác dụng phòng chống Covid-19 như người bán hàng quảng cáo. Đây chỉ là những lời quảng cáo đánh vào tâm lý người tiêu dùng nhằm bán hàng, trục lợi. Người dân cần thận trọng, không nên tin vào những lời chia sẻ trên mạng xã hội".
Theo VietQ