Ngày 6/3, Bộ Y tế vừa cho hay kết quả xét nghiệm của 6 trên tổng số 16 ca mắc Covid-19 đã khỏi bệnh ở nước ta là âm tính với SARS-CoV-2.
Thạc sĩ Nguyễn Phương Anh, nghiên cứu viên Phòng Thí nghiệm Cúm, khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho hay những ca mắc Covid-19 ở nước ta, sau khi được điều trị và xét nghiệm âm tính 2 lần với SARS-CoV-2, sẽ được công nhận khỏi bệnh và xuất viện.
Tuy nhiên, trên thế giới, nhiều trường hợp bệnh nhân khỏi bệnh, về nhà, sau đó xét nghiệm lại dương tính.
"Câu hỏi đặt ra là bệnh nhân đó đã hoàn toàn khỏi bệnh hay chưa, virus đã được thải ra ngoài hay sau khi về họ lại lây nhiễm từ cộng đồng. Do đó, chúng tôi phải giám sát những trường hợp này, nhất là trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp. Khi bệnh nhân về nhà, chúng tôi vẫn kết hợp với CDC từng khu vực định kỳ lấy mẫu xét nghiệm của bệnh nhân, dù bệnh nhân không có triệu chứng. Mục đích là để khẳng định hoàn toàn địa phương đã chấm dứt dịch và bệnh nhân đó không phải là nguy cơ lây nhiễm sang người khác ở cộng đồng", thạc sĩ Phương Anh nói.
Theo đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương liên tục lấy mẫu xét nghiệm của 12 ca mắc Covid-19 ở miền Bắc (11 ca ở Vĩnh Phúc, 1 ca ở Thanh Hóa) sau khi họ được xuất viện.
"Sau khi ra viện, cứ 3 ngày lấy mẫu một lần, nếu âm tính thì một tuần/lần. Có những bệnh nhân đã được xét nghiệm tới lần thứ 8", thạc sĩ Phương Anh thông tin thêm.
Thạc sĩ Ứng Thị Hồng Trang, nghiên cứu viên Phòng Thí nghiệm Cúm, khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cũng cho biết thêm việc quản lý, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm liên tục những bệnh nhân này ngoài việc đảm bảo kết quả giám sát chính xác, bảo về cho chính người bệnh, cộng đồng, còn phục vụ công tác nghiên cứu.
"Việc này giúp chúng tôi hiểu biết sâu hơn về tác nhân virus này như lưu hành như thế nào trong chính người bệnh đó, diễn biến ra sao, đã thực sự kết thúc hay vẫn tiếp tục tồn tại âm ỉ rồi bùng phát khi có cơ hội. Một số nghiên cứu khoa học trên thế giới đưa ra rằng trong chất thải của bệnh nhân cũng mang mầm bệnh này nên chúng tôi phải thu thập nhiều loại bệnh phẩm để khẳng định hoàn toàn tình trạng âm/dương tính", thạc sĩ Trang nói thêm.
Những ca còn lại vẫn đang được theo dõi, tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên, kể cả 6 ca vừa được công bố âm tính.
Về việc người nhiễm virus có kháng thể để tránh tái nhiễm trong 2 năm, thạc sĩ Phương Anh cho hay: "Đó là nghiên cứu trên thế giới và nguyên lý dịch tễ học với các loại virus nói chung. Riêng SARS-CoV-2, chưa có thông tin về việc này. Việt Nam chưa nghiên cứu về điều này. Tất cả mẫu chúng tôi nghiên cứu là dịch học, dịch hô hấp còn trên nền huyết thanh chúng tôi vẫn thu nhưng tại thời điểm này chưa thực hiện kháng thể trên bệnh nhân khác".
Hiện tại, SARS-CoV-2 vẫn là một ẩn số. Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu, giám sát là bắt buộc và cần thiết.
Tính tới sáng 7/3, Việt Nam đã ghi nhận 17 ca mắc Covid-19. 16 ca đã khỏi bệnh, xuất viện. Ca mới nhất được công bố đêm 6/3 tại Hà Nội sau 22 ngày cả nước không ghi nhận người mắc mới.
Theo Zing