Hàng ngày, chúng ta sử dụng xà phòng, nước thơm, chất khử mùi, sản phẩm dành cho tóc và mỹ phẩm trên nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể. Nhưng trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều báo cáo đã làm dấy lên mối lo ngại về lượng hóa chất độc hại có trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân.
![]() |
Các công ty thường dán nhãn mỹ phẩm với lời giới thiệu như: “có nguồn gốc tự nhiên”, “không độc hại” và “sạch” - nghe có vẻ hay nhưng về cơ bản chỉ là thuật ngữ tiếp thị. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ đã cấm khoảng chục thành phần thường có trong mỹ phẩm. Canada, Nhật Bản và các nước thuộc Liên minh châu Âu đưa ra danh sách hàng trăm loại hóa chất bị cấm. Nhiều nghiên cứu trên động vật và một số nghiên cứu ở người đã thiết lập mối liên hệ giữa bệnh tật, đặc biệt là ung thư với các loại hóa chất dưới đây. Dưới đây là những hóa chất phổ biến có trong hầu hết các loại mỹ phẩm, đứng đầu danh sách cấm tại châu Âu và Mỹ.
Hydroxyanisol đã butylat hóa (BHA): BHA thường được sử dụng làm chất bảo quản trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân có chứa dầu hoặc chất béo, chẳng hạn như son môi, bút kẻ mắt và kem dưỡng ẩm. Các nghiên cứu trên chuột đã liên kết BHA với bệnh ung thư dạ dày, tổn thương tế bào thận và sự phát triển của hệ thống sinh sản ở nam và nữ.
![]() |
Danh sách những hóa chất độc hại thường có trong mỹ phẩm |
Thuốc nhuộm nhựa than đá, như m-, o- và p-phenylenediamine: Nhựa than là một chất lỏng đặc màu nâu đen. M-phenylenediamine, o-phenylenediamine và p-phenylenediamine là những hợp chất ban đầu có nguồn gốc từ nhựa than đá và hiện nay thường được sản xuất tổng hợp. Chúng thường được tìm thấy trong thuốc nhuộm tóc. Thuốc nhuộm càng đậm thì chứa càng nhiều phenylenediamine. Thuốc nhuộm nhựa than đá có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc kích ứng da và có thể dẫn đến rụng tóc. Dữ liệu dịch tễ học cũng cho thấy, mối liên hệ giữa một số thuốc nhuộm nhựa than với việc tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư hạch, đau tủy, bệnh bạch cầu cấp tính và ung thư bàng quang.
Diethanolamine (DEA): DEA là một phần của nhóm hóa chất thường được sử dụng làm chất nhũ hóa trong các sản phẩm dạng kem hoặc dạng bọt, như dầu gội và kem cạo râu. Các hợp chất này thường phản ứng với các chất bảo quản khác trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân để tạo thành nitrosamine, là những hóa chất mà Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế và Chương trình Chất độc Quốc gia Hoa Kỳ xác định là “được dự đoán hợp lý là chất gây ung thư ở người”.
Chất giải phóng formaldehyde và formaldehyde: Formaldehyde là chất hóa học có mùi nồng được sử dụng để kéo dài thời hạn sử dụng của một số loại mỹ phẩm, thuốc duỗi tóc và sơn móng tay. Việc tiếp xúc với lượng khói formaldehyde thấp được biết là gây kích ứng mắt, mũi và cổ họng, trong khi mức phơi nhiễm cao hơn, đặc biệt là trong thời gian dài, có liên quan đến ung thư mũi và họng.
Theo VTV