Ngẫm thật buồn cười, cái chuyên mục bảo hiểm đăng trên trang báo nhiều năm nay vẫn đều đặn đăng bài tuyên truyền về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (các quy định, thủ tục, điều khoản đền bù, loại trừ, trách nhiệm bồi thường,…) dường như chả ai quan tâm. Bỗng một ngày, dư luận sôi sục… tranh luận dữ dội như thể một sự kiện mới xuất hiện từ “ngoài hành tinh”. |
Xét cho cùng, lý do cũng là bởi lâu nay người ta “quên mất” rằng, mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là quy định bắt buộc của pháp luật. Nếu không có sự “đánh thức” của chiến dịch lập lại trật tự giao thông của ngành Công an, thì chắc nó vẫn cứ “ngủ yên”. Ngược lại, do sản phẩm là loại hình bắt buộc, các doanh nghiệp bảo hiểm dường như chỉ muốn bán để thu phí, chưa quan tâm đến việc bồi thường một cách thấu đáo, cũng làm cho người dân trở nên… thờ ơ. Vì vậy, chính sách này kém hiệu quả cũng là bởi “Tại anh, tại ả, tại cả đôi đường”.
Vì là chính sách bắt buộc, nên các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ quan tâm đến việc bán sản phẩm và thu phí, chứ ít để ý tới việc “chăm sóc khách hàng” và đặc biệt là bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm. Chẳng riêng gì xe máy, ô tô cũng thế. Lấy ví dụ, mấy năm trước, một anh đi ô tô chẳng may đâm vào đuôi xe trước. Yên tâm có bảo hiểm, anh xuống xe cẩn thận chụp ảnh lại hiện trường, trao đổi thỏa thuận với chủ xe bị nạn về bồi thường. Đường giờ tan tầm, thấy tai nạn không nghiêm trọng, chủ xe thỏa thuận được với nhau, anh cảnh sát giao thông cũng vẫy cho đi. Mang xe vào xưởng, đánh giá thiệt hại hết khoảng chục triệu, anh trình bày với đại diện hãng bảo hiểm lớn (nơi xe có bảo hiểm). Vị đại diện này tư vấn: “Anh phải có biên bản của công an về vụ tai nạn. Xác định lỗi và nộp phạt lỗi vi phạm, bị giam xe khoảng 1 tuần,… rồi mang hết giấy tờ về đây mới được đền bù. Trị giá đền bù chắc khoảng chục triệu chắc vừa đủ nộp chỗ thủ tục”. Nản quá, anh đành tự bỏ tiền sửa… cho nhanh.
Hôm rồi, trên công luận có một vị bảo rằng, bảo hiểm là việc dân sự, sao lực lượng vũ trang lại “kiểm soát thuê” cho bảo hiểm (?) Đặt ngược lại vấn đề, vậy cảnh sát giao thông (lực lượng được phép dừng, kiểm tra phương tiện cơ giới lưu thông) không kiểm tra thì ai kiểm tra; nếu không kiểm tra thì làm sao bắt buộc (?). Ô tô thì khỏi nói, khi đi đăng kiểm đều bị bắt buộc mua, còn xe máy thì kiểm tra vào lúc nào nếu không là khi đang lưu thông? Quy định nào sẽ đảm bảo tính bắt buộc đối với loại hình bảo hiểm thực sự cần thiết, khi mà ở Việt Nam tai nạn giao thông là chuyện xảy ra như “cơm bữa”.
Đợt này, khi “chiến dịch” kiểm soát chấn chỉnh an toàn giao thông được triển khai, người ta đua nhau đi mua bảo hiểm để đối phó. Và rất nhiều ý kiến phản ánh những điều không hay về các doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng, chính sách bảo hiểm xe cơ giới nói chung. Tuy nhiên, cũng thật khách quan mà nói, trong chuyện này lỗi không hề nhỏ là từ phía người tham gia giao thông (đặc biệt là xe máy) không tuân thủ luật pháp. Song về phía các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần nhìn lại mình. Không phải vì chính sách bắt buộc mà xem nhẹ cách “cư xử” với khách hàng của mình.
Về phía cơ quan quản lý bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng đã vào cuộc và sẽ kiểm tra hoạt động bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới của các doanh nghiệp bảo hiểm trong những ngày tới để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ sửa đổi nghị định về lĩnh vực này theo hướng đơn giản hóa thủ tục, buộc các doanh nghiệp phục vụ tốt hơn khách hàng của mình.
Theo Thời Báo Tài chính