Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Bức tranh thị trường chứng khoán Việt 2019

KTDT 07:37 21/01/2020

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt năm 2019 chứng kiến không ít buồn vui, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động lớn.

Năm 2020, câu chuyện “chờ ngày nắng lên” với hy vọng dòng vốn ngoại đổ vào đã tạo động lực giúp các nhà đầu tư lạc quan hơn. Ngoài ra, những tín hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô, một lượng hàng lớn từ DN Nhà nước cổ phần hóa cũng như các “ông lớn” đang xếp hàng chờ niêm yết và nỗ lực nâng hạng thị trường của cơ quan quản lý cũng khiến việc kiếm lời trên kênh đầu tư này thêm hy vọng.
Khi thị trường “xanh vỏ đỏ lòng”
Sau nhiều lần thử thách, từ đầu tháng 11/2019, VN-Index đã vượt mức 1.000 điểm lần 2 trong năm 2019. Tuy nhiên, như thường lệ, việc chỉ số này “vượt vũ môn” lại tiếp tục phụ thuộc vào một nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Vì thế, trong khi các nhà đầu tư nắm giữ khoảng 10 mã bluechip này hồ hởi với sắc xanh của thị trường thì đa số các nhà đầu tư khác vẫn khóc ròng.
Đơn cử, phiên giao dịch 4/11, trong khi VN-Index tăng 6,84 điểm thì số mã giảm giá trên sàn HOSE vẫn áp đảo, với 185 mã giảm/145 mã tăng. Về thanh khoản, 10 cổ phiếu gồm: ROS, FPT, VNM, MWG, MBB, CTG, HPG,VRE, PNJ, VHM và VCB có giá trị khớp lệnh đạt 2.226 tỷ đồng, chiếm 50,7% giá trị giao dịch toàn sàn. Phần lớn trong số này chính là những cổ phiếu “dẫn sóng” đưa chỉ số vượt qua mức 1.000 điểm.
Nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nâng đỡ chỉ số và hấp thụ trạng thái bán ròng của khối ngoại. Dòng tiền không mạnh, nhưng đã tìm cơ hội tại các nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao và tạo ra sự phân hóa trên diện rộng. Vận động giá tích cực từ nhóm cổ phiếu VIC và ngân hàng đã giúp VN-Index vượt 1.000 điểm.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán BSC
“Xanh vỏ đỏ lòng” là tình trạng chung của TTCK năm 2019. Trên các diễn đàn chứng khoán lớn như F198, F319… vẫn còn hàng loạt tiếng thở dài của nhà đầu tư khi tài khoản hao hụt hàng chục, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, kể cả khi VN-Index xanh rực rỡ hoặc tím lịm một góc sàn. Thực tế, giai đoạn cuối tháng 10, đầu tháng 11/2019, thị trường có sôi động, song không ít nhà đầu tư vẫn khóc mếu vì lỗ.
Giới phân tích chỉ ra, tình trạng này không khó hiểu, bởi VN-Index tăng điểm chủ yếu do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn kéo lên, còn hầu hết cổ phiếu khác giảm giá. Với đợt điều chỉnh sau đó, nhiều cổ phiếu tiếp tục giảm giá, ngay cả những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu bluechip cũng chịu mất mát. Ví dụ, trong 3 phiên giao dịch đầu tháng 12, TTCK có 2 phiên giảm điểm, 1 phiên tăng (kéo dài chuỗi giảm kể từ ngày 8/11). Nếu trong phiên 4/12, nhóm cổ phiếu bluechip là nhân tố giúp thị trường tăng vọt thì sang phiên 5/12, chính nhóm này “dìm” thị trường đi xuống. Số liệu cho thấy, chỉ 10 mã cổ phiếu vốn hóa lớn đã chiếm khoảng 70% giá trị vốn hóa thị trường.
Vì thế, dù các chỉ số “có khi buồn, khi vui” nhưng tài khoản của phần lớn các nhà đầu tư vẫn bị hao hụt. Theo Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank Đào Tuấn Trung, tính đến nửa đầu tháng 12, chỉ khoảng 5% nhà đầu tư tại TTCK Việt Nam có lãi, 95% nhà đầu tư thua lỗ, hoặc hòa vốn. Con số này cho thấy, hoạt động đầu tư kiếm lời ngắn hạn trên TTCK ngày càng khó khăn, thua lỗ xảy ra với những nhà đầu tư vào, ra sai thời điểm và sai mã cổ phiếu.
Ngoài ra, năm 2019, những ảnh hưởng của biến động tình hình kinh tế - chính trị thế giới như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, các chính sách của FED… đã khiến TTCK Việt Nam nhiều lần “hắt hơi”, “sổ mũi” theo chứng trường quốc tế. Kéo theo đó là tâm trạng bất an, thận trọng của nhà đầu tư trong nước.
Chờ ngày nắng lên
Trong khi các nhà đầu tư nội trên chứng trường Việt tỏ ra thận trọng với các quyết định đầu tư thì thị trường thời gian tới và năm 2020 lại trông chờ nhiều vào dòng vốn ngoại vốn sau một năm khối này bán ròng mạnh.
Câu chuyện Việt Nam lỡ hẹn vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM) của MSCI và nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 của FTSE Russell dù trái ngược với kỳ vọng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lạc quan đánh giá, Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng. Cơ hội của Việt Nam sẽ rộng mở hơn vào năm 2020 và dòng vốn tỷ đô từ các quỹ ETF đổ vào thị trường Việt Nam. Trong trường hợp Việt Nam được nâng hạng, các cổ phiếu của Việt Nam sẽ được thêm vào danh mục của bộ chỉ số FTSE Global Equity Index. Hiện, có hơn 70 cổ phiếu đạt các tiêu chí này. Mặt khác, các chỉ số vĩ mô tốt cũng khiến giới phân tích lạc quan rằng, TTCK Việt Nam khá hấp dẫn khi là nền kinh tế hiếm hoi duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.
Tại kỳ họp cuối tháng 11, Quốc hội chính thức thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi với những điểm mới được kỳ vọng là yếu tố tích cực giúp TTCK Việt Nam nâng cao chất lượng và tạo tiền đề cho việc nâng hạng trong thời gian tới.
Dù vậy, điều kiện quan trọng để nâng hạng thị trường lên EM là giới hạn sở hữu nước ngoài lại không được quy định cụ thể. Trong khi đó, giải pháp mang tính kỹ thuật như phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết hay CW không phải là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề..

Link gốc : http://kinhtedothi.vn/buon-vui-thi-truong-chung-khoan-viet-363015.html

Bạn đang đọc bài viết Bức tranh thị trường chứng khoán Việt 2019 tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán