Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Lý giải đà giảm giá cổ phiếu VNM của Vinamilk: Lực bán từ các quỹ tỷ USD?

KINH TẾ CHỨNG KHOÁN 14:14 07/05/2021

Từng là “kim vàng giọt lệ” của thị trường chứng khoán Việt Nam với thị giá luôn nằm trong nhóm cao nhất,

Cổ phiếu VNM của Vinamilk liên tục giảm thời gian gần đây, xuống dưới mốc 90.000 đồng/cp. Thống kê trong một năm qua cho thấy nhiều quỹ quy mô tỷ USD đã giảm tỷ trọng sở hữu tại doanh nghiệp đầu ngành sữa này.

Trong những tháng giao dịch gần đây, cổ phiếu VNM của Vinamilk được nhà đầu tư quan tâm lớn khi mã này đi ngược xu hướng với các bluechip khác trên thị trường. Đóng cửa phiên 6/5, cổ phiếu VNM ở 89.600 đồng/cp, giảm gần 23% kể từ mốc đỉnh ngắn hạn 116.300 đồng/cp thiết lập trong phiên 12/1.

Rời Top10 khoản đầu tư lớn nhất của Dragon Capital

Dường như giao dịch kém khởi sắc của cổ phiếu VNM một phần ảnh hưởng bởi hoạt động bán dòng của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo thống kê kể từ giữa tháng 12 năm ngoái, nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán ra cổ phiếu VNM. Khối lượng bán ròng tương đương 3% số cổ phần (khoảng 61,2 triệu cp) đang lưu hành của Vinamilk. Tính đến ngày 6/5, khối ngoại đang sở hữu 55,32% vốn điều lệ của Vinamilk.

Với đà giảm giá trong nhiều tháng liên tiếp, cổ phiếu VNM không còn lọt nhóm những khoản đầu tư lớn nhất của nhiều quỹ ngoại. Lần gần đây nhất cổ phiếu của Vinamilk còn nằm trong Top10 mã chiếm tỷ trọng lớn nhất của quỹ tỷ USD do Dragon Capital quản lý – VEIL là ngày 8/10/2020. Tỷ trọng của mã VNM thời điểm đó là 3,12%. Quy mô quỹ thành viên của Dragon khi đó là 1,5 tỷ USD, tăng lên hơn 2,2 tỷ USD vào cuối tháng 4.

Trong nhóm Dragon Capital, quỹ thành viên khác là Norges Bank gần như không thay đổi số lượng cổ phần đang sở hữu tại Vinamilk trong năm 2020.

Quỹ ngoại hai lần chốt lời đúng đỉnh cổ phiếu VNM

Trở lại hoạt động của các quỹ ngoại khác, trong năm 2020 cổ phiếu VNM bị bán ròng mạnh nhất từ quỹ ngoại Arisaig Asia Consumer Fund Limited. Tại ngày 27/12/2019, đây là cổ đông lớn nhất tại Vinamilk trên vai trò một nhà đầu tư tài chính. Số lượng cổ phần sở hữu của Arisaig Asia Consumer Fund là hơn 28,8 triệu cp, tương đương 1,65% vốn điều lệ của Vinamilk. Theo tìm hiểu, Arisaig Asia còn nắm giữ cổ phần tại Vinamilk qua nhánh quỹ khác là Arisaig Gem Consumer Fund (Global).

Tuy nhiên, đầu tháng 8 năm ngoái, Arisaig Asia Consumer Fund thông báo đã chốt lời toàn bộ cổ phiếu VNM mặc dù khoản đầu tư này đem lại lợi suất bình quân 20% năm trong 11 năm qua.

Lý do chốt lời được quỹ ngoại này đưa ra là Vinamilk tăng trưởng chậm lại những năm trở lại đây, xuống dưới mốc trung bình. Tổ chức này cho rằng điểm bão hòa đang gần hơn so với dự tính ban đầu. Một lí do khác được Arisaig Asia Consumer Fund đưa ra là quỹ đang có nhiều cơ hội đầu hấp dẫn hơn tại các quốc gia khác.

Đáng chú ý hơn, trong lịch sử đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam, đây là lần thứ hai mà Arisaig Asia Consumer Fund chốt lời trên vùng đỉnh cổ phiếu VNM. Quỹ từng mua cổ phần Vinamilk trong cuộc đấu giá trực tiếp năm 2002 và bán ra khi thị trường tăng nóng vào năm 2007. Sau đó, quĩ ngoại này đã mua lại cổ phiếu VNM trong năm 2009.

Các quỹ tỷ USD đã bán VNM

Không chỉ Arisaig Asia Consumer Fund, nhiều quỹ ngoại khác có quy mô danh mục nhiều tỷ USD cũng bán ra cổ phiếu VNM trong năm 2020 như Matthews Pacific Tiger Fund, Stichting Depositary APG Emerging Markets Equity Pool, The Genesis Emerging Markets Investment Company.

Theo thống kê của người viết, Matthews Pacific Tiger Fund đã bán ra gần 18,4 triệu cổ phiếu VNM trong qúy đầu năm nay. Thời điểm 31/3, nhà đầu tư này chỉ còn nắm giữ hơn 1,2 triệu cổ phiếu VNM.

Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore - Government of Singapore (GIC) cũng giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk trong năm 2020. Thời điểm 6/1/2021, nhà đầu tư này sở hữu hơn 10,6 triệu cổ phiếu VNM, tương đương 0,51% vốn điều lệ của Vinamilk.

Cổ đông lớn không "đỡ giá" cổ phiếu VNM

Trong khi các quỹ ngoại liên tục bán ròng, hai nhóm cổ đông ngoại lớn nhất tại Vinamilk là Platinum Victory Pte. Ptd và F&N Dairy Investment Pte. Ltd. liên tục đăng kí mua trong hơn 2 năm qua nhưng bất thành. Lí do được đưa ra là điều kiện thị trường không thuận lợi.

Mới đây nhất, trong khoảng thời gian từ ngày 29/3 đến 27/4, cổ đông Platinum Victory Pte. Ptd mua vào 20,9 triệu cp nhưng không thành với "điệp khúc" thị trường không thuận lợi bất bấp giá cổ phiếu liên tục giảm trong nhiều tháng qua.

Diễn biến tương tự, tổ chức có liên quan của SCIC – Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) cũng mua không thành công 500.000 cổ phiếu VNM trong tháng 4 do biến động thị trường. Mới đây nhất, SIC đăng ký mua 900.000 cổ phiếu VNM từ ngày 6/5 đến 5/6.

Link gốc : https://doanhnghiep.kinhtechungkhoan.vn/ly-giai-da-giam-gia-co-phieu-vnm-cua-vinamilk-luc-ban-tu-cac-quy-ty-usd-4220217585019692.htm

Bạn đang đọc bài viết Lý giải đà giảm giá cổ phiếu VNM của Vinamilk: Lực bán từ các quỹ tỷ USD? tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán