Thu hút vốn ngoại sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển hơn. Ảnh minh họa |
Thiếu hàng chất lượng
Theo VinaCapital, nhà đầu tư nước ngoài cho rằng điểm yếu của Việt Nam là không có nhiều doanh nghiệp lớn, chất lượng cao, tăng trưởng nhanh, đặc biệt là khi so sánh với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Philippines và Indonesia.
Một trong những cách dễ thấy nhất chính phủ có thể sử dụng để khắc phục vấn đề này là cổ phần hóa thêm nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong nước, ví dụ như Viettel, Mobifone, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)…
Tiếp theo, nhà đầu tư nước ngoài thường ưa thích cổ phiếu có thanh khoản cao và được trao đổi rộng rãi trên thị trường. Do đó, họ không thích khi thấy những công ty đã được cổ phần hóa nhưng chỉ một phần nhỏ cổ phiếu được bán ra cho nhà đầu tư tư nhân.
Ví dụ như trường hợp của PetroVietnam Gas (Mã: GAS): vốn cổ phần nhà nước trong cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp này là gần 96%.
Ngoài ra, một trong những vấn đề "tiếp cận thị trường" lớn nhất mà nhà đầu tư nước ngoài gặp phải tại Việt Nam là giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL).
Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam có khoảng 30 mã cổ phiếu đã hết room ngoại. Điều này có nghĩa là nếu nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu, họ sẽ phải mua lại cổ phiếu trên từ một nhà đầu tư nước ngoài khác, với mức giá cao hơn khoảng 7 – 15% giá niêm yết.
Đây là vấn đề vì nhà đầu tư mua cổ phiếu phải chịu khoản lỗ 7-15% hạch toán theo giá thị trường vì họ không có cách nào để xác minh số tiền chênh lệch đã phải trả.
Xếp hạng thị trường thấp
Một thách thức khác trong việc thu hút vốn ngoại là Việt Nam vẫn chỉ được xếp hạng là thị trường cận biên bởi MSCI và các công ty chỉ số thị trường chứng khoán khác.
Việt Nam rất cần được thăng hạng lên thị trường mới nổi vì đối tượng nhà đầu tư nước ngoài bị hấp dẫn nhất bởi Việt Nam là các nhà quản lí quĩ thị trường mới nổi. Rất nhiều người trong số họ không thể hoặc không muốn mạo hiểm đầu tư vào các doanh nghiệp không được niêm yết trên chỉ số thị trường mới nổi của MSCI.
Việc được nâng hạng lên chỉ số thị trường mới nổi của MSCI sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng ít nhất 50%, dựa trên kinh nghiệm các quốc gia được nâng hạng khác trong quá khứ.
Một trong những rào cản lớn nhất để Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi là vấn đề giới hạn chủ sở hữu nước ngoài nêu trên. Đây là lí do VinaCapital tin tưởng rằng chính phủ nên thúc đẩy các cải tổ xoay quanh vấn đề này.
Thu hút vốn dòng tiền ngoại vào thị trường trái phiếu
Các quĩ hưu trí Mỹ và châu Âu thường nhắm đến mục tiêu đạt được lợi nhuận đầu tư hàng năm là 6-7%. Lợi suất tương đối cao của thị trường Việt Nam sẽ rất hấp dẫn với nhóm nhà đầu tư này, đặc biệt là vì lạm phát và tỉ giá USD-VND nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục được duy trì ổn định
Do vậy, thu hút tiền nước ngoài vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp non trẻ của Việt Nam là tương đối dễ dàng nếu doanh nghiệp đạt xếp hạng tín dụng từ một trong những tổ chức xếp hạng quốc tế lớn.
VinaCapital tin rằng chính phủ có nhiều biện pháp có thể sử dụng để khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực đạt được xếp hạng tín dụng từ các tổ chức quốc tế, ví dụ như giảm thuế.
Hoặc chính phủ có thể tranh thủ sự giúp đỡ của các ngân hàng đầu tư hoặc tổ chức tài chính quốc tế để trợ giúp cho quá trình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.